Pakistan đang trên bờ vực của thảm họa kinh tế, giới chuyên gia nhận định.
Dự trữ ngoại hối của Pakistan đang ở mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây. Điều này gây áp lực lên đồng Rupee và khiến thị trường lo ngại rằng chính quyền Islamabad không lâu nữa có thể sẽ không trả được các hóa đơn nhập khẩu hàng tháng.
Không chỉ như vậy, quốc gia Nam Á đang phát triển này cũng đang gặp rắc rối về các khoản nợ nước ngoài, đặc biệt là khoản vay từ Trung Quốc trị giá 62 tỷ USD cho dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakista, theo CNBC.
Để tránh được cuộc khủng hoảng mất khả năng thanh toán toàn diện, Pakistan đang cần nhiều sự giúp đỡ từ bên ngoài. Quốc gia này có hai lựa chọn: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Trung Quốc. Tuy nhiên, không ai có thể giúp nước này giải quyết triệt để được những khó khăn về kinh tế trong dài hạn.
Pakistan vốn không xa lạ gì với các gói cứu trợ của IMF khi đã sống sót nhờ 21 chương trình trợ giúp của quỹ này. Nếu chính quyền của Thủ tướng Imran Khan sắp tới tìm kiếm một khoản vay khác từ IMF, ước tính vào khoảng 10 tỷ USD, Pakistan sẽ lại bị quản thúc bởi các biện pháp thắt lưng buộc bụng của tổ chức này.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc khả năng tăng trưởng của nền kinh tế Pakistan sẽ gặp khó khăn. Hơn nữa, bước đi này cũng không đem lại lợi ích về mặt chính trị cho ông Imran Khan vì chính ông đã từng tuyên bố trong cuộc vận động tranh cử rằng cần để cho Pakistan trở thành một quốc gia tự cung tự cấp.
Trong khi đó, Mỹ đã từng “nhắc khéo” với IMF về nghĩa vụ của Pakistan đối với các gói vay từ Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trả lời CNBC vào tuần trước rằng đồng USD cũng là một phần kinh phí của Mỹ đóng góp cho IMF, nên không có lý do gì mà tiền của IMF phải đi cứu trợ cho những nước vay từ Trung Quốc hay thậm chí là chính Trung Quốc.
Bộ Tài chính Pakistan ngay lập tức đã bác bỏ những nghi hoặc của ông Pompeo, ám chỉ rằng khoản vay từ IMF sẽ không liên quan đến dự án Hành lang Kinh tế giữa nước này và Trung Quốc.
Một lựa chọn khác là chính quyền của ông Imran Khan có thể vay thêm một khoản mới từ Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc Pakistan sẽ chìm sâu hơn vào cái được gọi là “bẫy nợ Trung Quốc” – một lời chỉ trích cho Sáng kiến “Nhất đới Nhất lộ” của Bắc Kinh.
Vào tháng 7/2018, Trung Quốc đã cho Pakistan vay 1 tỷ USD để tăng kho dự trữ ngoại tệ đang dần teo tóp của nước này. Theo Reuters, từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã cho Pakistan vay 5 tỷ USD.
Trong một tuyên bố vào tháng 7 của Đại sứ Trung Quốc, các khoản vay ưu đãi của Trung Quốc hiện chiếm khoảng 10% tổng nợ nước ngoài của Pakistan, trong khi 42% là từ các tổ chức tài chính đa phương.
Giới phân tích cho biết Thủ tướng Khan chưa đưa ra được một giải pháp cụ thể cho bài toán thiếu hụt vốn này.
Ông Uzair Younus, Giám đốc phụ trách Nam Á của công ty chiến lược Albright Stonebridge Group, cảnh báo: “Nếu Pakistan không có một chương trình cải cách táo bạo, nước này sẽ không thể “cai nghiện” được các khoản vay nước ngoài để giữ cho nền kinh tế ổn định”.
Giả sử vay từ IMF?
Ông Nadeem ul Haque, nguyên Phó Chủ tịch của Ủy ban Kế hoạch của Pakistan, cho rằng các chương trình của IMF vốn không tốt cho nước này. Nhưng ông mô tả Pakistan là “con nghiện” của IMF.
“Bên cạnh những chính sách thuế méo mó, IMF đã buộc Bộ Tài chính Pakistan cắt giảm chi tiêu mà không có kế hoạch cũng như không có bất kỳ cải cách thực sự nào. Cho dù IMF có hỗ trợ những khoản vay mới, chính quyền ông Khan vẫn sẽ lặp lại những sai lầm trong quá khứ”, ông Nadeem ul Haque nhận định.
Ông Uzair Younus cho rằng các biện pháp thắt lưng buộc bụng của IMF có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế, nhưng nhờ các dự án tài trợ của Trung Quốc và tiết kiệm từ giá dầu thấp, tốc độ tăng trưởng cũng đã khởi sắc hơn.
“Nếu để chính quyền Thủ tướng Khan nhận được thêm một gói cứu trợ từ IMF, ông sẽ cần đạt được những cải cách về thuế và các khoản lỗ được tạo ra bởi các doanh nghiệp nhà nước”, ông Younus bổ sung.
Nếu vay từ Trung Quốc?
Các khoản vay từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng đem lại rủi ro kinh tế không hề nhỏ.
“Trung Quốc đồng ý cho vay, Pakistan sẽ phải nhập khẩu thiết bị, dịch vụ. Như vậy, nợ lại cộng thêm nợ. Tình hình sẽ lại càng xấu đi”, ông Mark Sobel, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết.
Ông Sobel nói thêm rằng Trung Quốc cho vay sẽ phải dựa trên các điều kiện thực tế và phù hợp với tính bền vững của Pakistan. Nếu không, Trung Quốc sẽ phải ghi giảm các khoản cho vay và điều này sẽ làm giảm đáng kể giá trị của các khoản vay.
Sáng kiến “Nhất đới Nhất lộ” được cho là làm tăng sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại các quốc gia khác. Nếu những quốc gia đó không thể hoàn trả nợ, tài sản chiến lược cho từng dự án có thể sẽ rơi vào tay Trung Quốc. Bài học cụ thể đã xảy ra ở Sri Lanka khi Bắc Kinh được quyền kiểm soát cảng Hambantota trong vòng 99 năm sau khi nước này không có khả năng trả lại 6 tỷ USD đã nợ.
Theo ông Sobel, trong trường hợp của Pakistan, khả năng cao rằng Trung Quốc sẽ đặt lãi suất cao hơn đối với một số khoản vay của nước này.
Kiều Ngọc