Sống gần 1 thế kỷ, gắn bó với sân khấu 86 năm, NSND Phùng Há là tượng đài của nghệ thuật cải lương. Thành công trong sự nghiệp nhưng con đường tình duyên của bà lại nhiều sóng gió, truân chuyên.
Tài năng sớm nở
NSND Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo (1911-2009), bà sinh ra tại làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành (nay là thành phố Mỹ Tho), tỉnh Tiền Giang. Bà là một trong những vị tổ của nghệ thuật cải lương Việt Nam.
Bà đến với cải lương từ rất sớm, năm 13 tuổi đã được mời đóng vai đào chính cho gánh hát Tái Đồng Ban. Vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp ca hát của bà là Giả Thị trong vở cải lương Hoàng Phi Hổ quy Châu của soạn giả Nguyễn Công Mạnh.
Hôn nhân trải qua nhiều sóng gió
Năm 1926, bà kết hôn với Tư Chơi (người cùng với Năm Châu đầu quân cho gánh hát Trần Đắc) nhưng cuộc hôn nhanh chóng tan vỡ sau 2 năm.
Sau khi ly hôn, Phùng Há định ở vậy suốt đời nhưng trong một lần đi diễn về đêm bà bất ngờ gặp Bạch công tử – Lê Công Phước. Họ quen nhau và nên duyên vợ chồng.
Không chỉ mê cải lương, Bạch công tử còn theo học ngành sân khấu, chính vì vậy, sau khi kết hôn,ông đã thành lập gánh hát Huỳnh Kỳ và giao cho NSND Phùng Há quản lý. Đây là gánh cải lương có quy mô lớn ở vùng Lục tỉnh Nam Kỳ. Ngoài ra, Bạch công tử cho xây dựng rạp hát lớn nhất trong vùng cũng với tên Huỳnh Kỳ, bên cạnh ngôi nhà của ông tại Mỹ Tho để làm nơi biểu diễn.
Tài năng của bà Phùng Há và độ chịu chơi của Bạch công tử đã khiến gánh hát phát triển và có tiếng vang lừng lẫy trong suốt thời gian dài. Vở tuồng ăn khách nhất của gánh Huỳnh Kỳ là Giọt máu chung tình, do Năm Thiên đóng vai Võ Đông Sơ và Phùng Há vai Bạch Thu Hà. Ai cũng nghĩ cuộc đời của ca nương thanh sắc lừng danh sẽ mãi hạnh phúc, nào ngờ…
Sau ánh hào quang là kiếp đời buồn tủi
Sau 7 năm gắn bó và có với nhau 2 người con, Bạch công tử quay trở lại lối sống ăn chơi với thú vui cờ bạc, rượu chè để một mình bà Phùng Há lo cho 2 con và gánh hát. Không có người cai quản, thiếu sự đầu tư, gánh hát bước tới bờ vực thẳm, đào kép bỏ đi hết.
Lúc mọi người trong gánh hát đã bỏ đi hết, bà Phùng Há ôm con nằm chơ vơ trên những chiếc ghe mà gánh hát neo gần cầu Ông Lãnh. Hai con nhỏ ốm, bà chỉ còn biết cách đi tìm chồng rồi ngậm đắng nuốt cay, thất vọng tràn trề khi chứng kiến Bạch công tử đang ôm ấp một cô gái đẹp.
Cậu con trai đầu Paul Lộc bị bệnh nhưng không có thuốc men nên đã mất. Con mất, vợ quay quắt nhưng Bạch công tử vẫn chìm đắm trong u mê, ăn chơi sa đọa.
Trước hoàn cảnh trái ngang ấy, bà Phùng Há quyết định ly hôn. Sau đó ít lâu, cô con gái nhỏ Suzane cũng ra đi để lại cho bà nỗi đau không thể nguôi ngoai theo thời gian.
Chồng hắt hủi, hai con đều ra đi đã đẩy bà Phùng Há đến tận cùng của sự đau khổ. Sau một thời gian vùi mình trong nước mắt, bà đã đứng lên gây dựng lại sự nghiệp. Đến nay, hình ảnh và những di sản bà đã để lại vẫn luôn ngự trị trong lòng khán giả ái mộ cải lương.
Nặng lòng với nghề, với đời
Sau những phút vinh quang trên sân khấu hay những đoạn trường trong cuộc sống hôn nhân. Nghệ sĩ Phùng Há lại tiếp tục “trọn đời trả nợ dâu”, lo cho nghệ sĩ và nghiệp tổ, lo từ kẻ sống đến lo cho người chết… như một cách trả ơn cuộc đời.
Năm 1957, sau nhiều tháng trằn trọc suy nghĩ bà có đề xuất mua đất, xây dựng nên Chùa Nghệ sĩ tại Sài Gòn để làm nơi yên nghỉ cho những nghệ sĩ cải lương. Bên cạnh đó, bà cũng tự xuất tiền để xây dựng bia mộ cho các nghệ sĩ lão thành và cấp dưỡng cho vài nghệ sĩ nghèo.
Việc tiến hành xây dựng gặp nhiều khó khăn do không đủ kinh phí, bà đã hai lần phải bán nhà và quyết định về ở tại chùa, nghĩa trang nghệ sĩ dù nhiều người khuyên ngăn. Ngày ngày, bà vẫn ở đây tụng kinh cầu cho quốc thái dân an, cầu nguyện ơn trên cho cha mẹ được siêu thoát, cầu nguyện trời Phật xá tội cho người và cho mình.
Vào ngày 5/7/2009, bà qua đời tại bệnh viện Nguyễn Trãi (Tp. HCM), hưởng thọ 98 tuổi và được an táng trong nghĩa trang nghệ sĩ do bà lập nên trong phần đất của Chùa Nghệ sĩ.
Nguyễn Hiệp