Hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng thị trường đổi tiền lẻ đã bắt đầu tấp nập. Tại các chợ đen ở Hà Nội và TP.HCM xuất hiện nhiều “đại lý” đổi tiền, trong khi trên mạng xã hội dịch vụ đổi tiền được quảng cáo rầm rộ. Tiền càng lẻ thì tỷ lệ chênh lệch càng lớn.
Trong khi những điểm đổi tiền hợp pháp như ngân hàng, tổ chức tài chính còn khá yên ắng thì các dịch vụ đổi tiền tự phát tại Hà Nội và TP.HCM đã bắt đầu sôi động. Những điểm đổi tiền trước cổng đền chùa đều xếp sẵn các tập tiền mệnh giá nhỏ và không chỉ đợi đến ngày rằm, mùng một số người đến hỏi đổi tiền mỗi ngày lại nhiều hơn. Tương tự, quanh đường Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) những ngày này cũng xuất hiện các nhân vật đeo túi, hoặc tay cầm xấp tiền lẻ đứng trên vỉa hè sẵn sàng chờ khách và lác đác lại có người đến hỏi đổi tiền, sớm hơn hẳn so với những năm trước.
Tại TP.HCM, nhiều điểm đổi tiền trên đường Sư Vạn Hạnh, 3/2 (Quận 10), Nguyễn Oanh (Gò Vấp), .. cũng đã có người đến đổi hoặc đặt cọc.
Theo khảo sát của VnExpress, để đổi 1 triệu đồng loại tiền 10.000 đồng mới, khách sẽ mất phí từ 100.000-120.000 đồng, đổi 2 triệu đồng loại tiền 20.000 đồng sẽ mất phí 160.000-200.000 đồng. Còn với các loại tiền mệnh giá nhỏ như 500 đồng thì đổi 1 triệu đồng mất phí gần 800.000 đồng.
Các “đại lý” ở đây cho biết càng gần Tết thì mức phí sẽ càng cao lên và có nhiều lúc giá biến động ngay trong ngày. Buổi sáng là 10% nhưng đến chiều có thể tăng lên 12% nếu lượng khách đặt hàng lớn. Một người đổi tiền trên đường 3/2 chia sẻ năm nay khách đặt chủ yếu loại tiền 5.000 đồng, 10.000 đồng và 20.000 đồng.
Không chỉ chợ đen mà trên các trang mạng xã hội cũng nở rộ dịch vụ đổi tiền với những quảng cáo hấp dẫn như phí đổi thấp, tiền đẹp… Tuy nhiên, mức phí đổi cũng dao động 5-12% tuỳ mệnh giá. Trong đó, riêng mệnh giá 500 đồng được cho là khan hiếm, nhiều nơi ra giá phí đổi lên tới 150%.
Một trang web đổi tiền tại TP.HCM còn kèm theo dòng thông tin tiền thật 100%, nguyên serial do Ngân hàng Nhà nước phát hành đồng thời cam kết giao tiền ngay lập tức và hoàn toàn miễn phí trong địa bàn TP.HCM.
Mới đây, ông Phạm Bảo Lâm – Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết đến tháng 11/2017, cơ quan này đã bổ sung cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM 33.000 tỷ đồng có mệnh giá trên 10.000 đồng và 500 tỷ đồng mệnh giá dưới 10.000 đồng để điều hòa lưu thông tiền mặt trên địa bàn.
Riêng dịp Tết Mậu Tuất 2018, Cục đã lên kế hoạch cung ứng đủ tiền cho các ngân hàng thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch của người dân. “Còn số lượng tiền mới để đổi sẽ nằm trong tổng số Ngân hàng Nhà nước cung ứng thời gian tới”, ông Lâm cho biết.
Ngân hàng Nhà nước cũng nhìn nhận nhu cầu sử dụng tiền lẻ, mới dành cho việc lì xì là có thật, nhưng không đến nỗi phải đẩy lên thành một hiện tượng không lành mạnh, để nhiều người lợi dụng trục lợi.
Năm nay, không những không in tiền mới mệnh giá từ dưới 5.000 đồng mà chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục không chi các loại tiền mới in (còn tồn kho) từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông. Thay vào đó, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân.
Chính vì những thông tin không phát hành tiền lẻ mới nên các dịch vụ chợ đen càng có cớ để tăng phí đổi, và cao đến mức bất hợp lý.
Việt Nam hiện nay có các mệnh giá từ 100 đồng đến 500.000 đồng đang lưu thông. Theo Nghị định 96 về việc xử phạt đối với hoạt động không được phép thì đối với hoạt động đổi tiền lẻ có thu phí nếu bị phát hiện sẽ bị phạt 20-40 triệu đồng.
Hà Vũ