Chỉ trong một thời gian ngắn, giá lợn hơi tại nhiều địa phương đã tăng chóng mặt lên mức bình quân từ 47.000 đồng/kg trở lên, có nơi lên đến 52.000-53.000 đồng/kg. Đà tăng giá bất thường này khiến nhiều người đặt nghi vấn các doanh nghiệp lớn đang cố tình thao túng giá lợn để trục lợi.
Trả lời phỏng vấn của báo Dân Việt ngày 29/5 về vấn đề giá lợn hơi liên tục tăng trong thời gian ngắn và ở mức cao như hiện nay, ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) – cho rằng đây là kết quả của quá trình điều hành giảm cung – tăng cầu mà ngành chăn nuôi đã thực hiện từ 15 tháng qua và đến tháng 4 vừa rồi bắt đầu phát huy tác dụng.
Theo đó, Cục Chăn nuôi đã chủ trương giảm đàn nái xuống, từ 4,3 triệu con còn 3,9 triệu con như hiện nay.
Tuy nhiên, thực tế giá lợn tăng kỷ lục song người dân lại không còn nhiều lợn để bán. Điều đó đồng nghĩa với mức giá lợn “trong mơ” như hiện nay, chỉ các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp FDI như công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam được hưởng lợi. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, đợt tăng giá này là do C.P thao túng giá nhằm đẩy lợn con ra ngoài thị trường để thu lời.
Theo ông Dương, trong đợt giảm đàn nái vừa qua, chỉ có các doanh nghiệp lớn mới trụ được, còn các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ vốn mỏng không thể trụ được. Kết quả là đợt tăng giá này, nông dân là người chịu thiệt, còn các công ty lớn như C.P sẽ trúng đậm.
Song, ông Dương cũng khẳng định C.P không thể thao túng giá và cho biết Cục Chăn nuôi đang yêu cầu các doanh nghiệp lớn như Dabaco, Masan, C.P phải neo giá lợn xuống.
Theo tính toán của Cục Chăn nuôi, nên duy trì giá lợn ở khung giá 40.000-45.000 đồng/kg để đảm bảo chăn nuôi bền vững, bởi nếu để giá tăng quá cao sẽ dẫn đến 2 nguy cơ: Phá vỡ thị trường và tác động đến người tiêu dùng.
Trước tình trạng nông dân đang rất hoang mang và lúng túng vì không biết giá lợn tăng lần này có gì bất thường, lãnh đạo Cục Chăn nuôi khuyên người dân nên bình tĩnh. Cục Chăn nuôi cũng đang tiến hành các giải pháp để kéo giá lợn xuống ở mức ổn định để tránh xảy ra tình trạng lợn giá rẻ từ các nước xung quanh như Trung Quốc, Thái Lan tràn vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, nếu bà con ồ ạt vào đàn, ít nhất phải sau 5 tháng nữa mới có lợn xuất chuồng, đến khi đó không ai đảm bảo giá lợn còn duy trì ở mức trên 50.000 đồng/kg. Cho nên vào đàn ào ào lúc này là chết.
Trước đó, chia sẻ trên Tiền Phong, lãnh đạo Cục Chăn nuôi khuyến cáo người chăn nuôi lợn nên xuất chuồng khi lợn đạt cân nặng khoảng 100-120 kg/con, tránh tình trạng khan hiếm giả tạo, gây áp lực ảo cho thị trường. Đặc biệt là khi đã vào những tháng hè nắng nóng, nhu cầu thịt lợn giảm nhiều.
Nguyễn Trang