Với đôi bàn tay dính chặt các ngón, cậu bé bất hạnh không thể cầm viết. Giấc mơ đến trường vì thế tưởng chừng vĩnh viễn không thành, vì gia đình quá nghèo để cho em đi phẫu thuật. Những phép màu đã đến với em trong dịp Giáng Sinh năm nay, những người Thầy đã mở ra một chân trời mới cho cuộc đời cậu bé đáng quý.
Hoàn cảnh đau lòng trên là của em Thông Thái Lâm (7 tuổi, quê Bình Thuận). Dị tật bẩm sinh hở hàm ếch tuy hiếm gặp nhưng cũng được cộng đồng biết đến nhưng trường hợp kỳ lạ với đôi bàn tay bàn chân có các ngón dính liền như chân ếch khiến cuộc sống của em gặp rất nhiều khó khăn, theo Báo Trí Thức Trẻ.
“Mụ bà nắn ra tao vậy, chứ mẹ tao chỉ có công mang thai thôi”
Tuy bị dị tật nhưng em không có tâm oán trách người đã sinh ra mình. “Mụ bà nắn ra tao vậy, chứ mẹ tao chỉ có công mang thai thôi”, Lâm vẫn thường thanh minh vậy mỗi khi bị bạn bè trêu chọc là “thằng tàn tật”, “thằng bị dính tay”. Câu nói hồn nhiên ấy vô tình cứa nát trái tim của người lớn, khi họ không đủ điều kiện để cho Lâm trở về với cuộc sống của những đứa trẻ bình thuờng.
Bà Võ Thị Lệ (bà ngoại của Lâm) kể lại, lúc mới lọt lòng, cả hai bàn tay và chân cháu đều dính chặt vào nhau, như cái nghèo bám víu gia đình ấy năm này qua tháng khác. Lớn lên trong cuộc sống khốn khó và một hình hài không trọn vẹn, Lâm thường xuyên trở thành trò đùa của bạn bè, chưa kể mọi sinh hoạt đều khó khăn. Chán nản cuộc sống gia đình, cha Lâm bỏ đi biền biệt. Mẹ Lâm sau đó cũng đi bước nữa.
Ngày Lâm đến tuổi đi học, thay vì cắp sách đến trường như bạn bè đồng trang lứa, em chỉ thui thủi trong nhà. Chân đi đứng không vững đã đành, đôi bàn tay 12 ngón dính chặt thì làm sao cầm bút được mà tập viết. Oái oăm thay, chi phí phẫu thuật tách ngón là một con số khổng lồ. Mỗi lần nghĩ tới nó, bà Lệ chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
Hơn một năm trôi qua, những đứa trẻ trong xóm giờ đã vào lớp hai. Riêng Lâm vẫn là cậu bé mù chữ.
Món quà giáng sinh tuyệt vời từ thầy thuốc và thầy giáo
Câu chuyện của Lâm được những người trong xóm truyền nhau. Chẳng biết từ khi nào, nó đến tai một cô giáo tên Quỳnh. Thấy hoàn cảnh của bé trai bất hạnh, cô Quỳnh đã tìm kiếm và đặt vấn đề phẫu thuật cho Lâm với BS Nguyễn Xuân Anh, Trưởng khoa Vi phẫu Tạo hình Bệnh viện Sai Gon-ITO (TP. HCM). BS Xuân Anh là người thường xuyên phẫu thuật chỉnh hình tay chân cho những bệnh nhi nghèo.
Những tưởng mọi thứ sẽ rất khó khăn khi cả hai hoàn toàn xa lạ, nhưng chỉ vài dòng ngắn ngủi và biết được tình trạng của bệnh nhi, BS Xuân Anh ngay lập tức nhận lời phẫu thuật miễn phí cho cậu bé.
Chung sức với BS, cô Quỳnh cùng các thầy cô giáo khác cùng vận động tiền bạc cho hai bà cháu Lâm làm lộ phí đi chữa bệnh. Đó cũng là lần đầu tiên Lâm vào Sài Gòn.
Ngày chạm mặt BS, Lâm rụt rè, bảo: “BS Anh ơi, giúp cho con hai cái tay thôi để con đi học kiếm chữ, còn cái chân thì kệ cũng được”. Cảm thương cậu bé hiếu học, BS Xuân Anh ra sức kêu gọi mạnh thường quân góp tiền cho bé phẫu thuật trên trang cá nhân của mình.
BS Xuân Anh cho biết rằng bé Lâm bị dính phức tạp 4 ngón hai bàn tay, hai bàn chân, vừa dính vừa có các ngón thừa rất hiếm gặp. Ca phẫu thuật đầu tiên đã tạo hình thành công cho bàn tay phải của Lâm mất đến 5m chỉ tự tiêu. Dự kiến vào tuần sau, bé sẽ tiếp tục được tạo hình bàn tay trái.
Ngày 23/11, sau hai ngày được phẫu thuật, vết mổ ở bàn tay phải của bệnh nhi đã dần lành. Đến tận giường của cậu bé, BS Xuân Anh tặng em một chú gấu bông giáng sinh. Nhìn cậu bé vui mừng ôm món đồ chơi bằng bàn tay vẫn còn đau sau mổ, BS Xuân Anh tâm sự, gấu bông là thứ mà bấy lâu cậu bé mơ có được.
Theo BS, sau 6 tháng, nếu tình trạng chữa trị thuận lợi, bé sẽ được tiếp tục mổ đợt ba và bốn để tách tiếp các ngón còn lại. Vì bệnh nhi đã lớn, các ngón phát triển dài ra bị dính kéo lại nên phải phẫu thuật càng sớm càng tốt để tránh gây biến dạng ngón tay.
Sau khi các cuộc mổ hoàn tất, bé Lâm sẽ được trả lại bàn tay với chức năng cầm nắm bình thường, dĩ nhiên có thể cầm viết. Đối với bàn chân, có thể sẽ cân nhắc chỉnh sửa cho gọn trong thời gian tới vì không ảnh huởng quá lớn đến chức năng đi lại.
“Trước đây, cả nhà đã bàn một ngày nào đó sẽ cho Lâm phẫu thuật, nhưng khi thăm dò thì nghe tiền mổ đến mấy chục triệu. Số tiền ấy quá sức với gia đình tôi, nên mọi chuyện đành gác lại. Giờ thấy cháu có cơ hội được lành lặn, tôi vui mừng lắm” – bà Lệ xúc động.
Có thể nói, với bà Lệ bây giờ, việc phẫu thuật tạo hình thành công hai bàn tay cho Lâm mới chính là món quà giáng sinh sớm tuyệt vời nhất.
(Ảnh: Trí Thức Trẻ)
Hoàng Kỳ