“Trung Quốc hợp tác về các dự án cơ sở hạ tầng với các đối tác mục đích chỉ là để ‘cướp’ nguồn tài sản ở những nơi đó”, tổ chức giám sát các khoản vay và quỹ đầu tư của Mỹ nhận định.
Tổ chức Đầu tư Tư nhân Hải ngoại (OPIC) thuộc chính phủ Mỹ đã đưa ra những lời chỉ trích nặng nề nhằm vào chiến lược đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc, cáo buộc rằng Bắc Kinh chỉ đang “chiếm đoạt tài sản” thông qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước ngoài.
“Trung Quốc không giúp đỡ các nước khác mà chỉ đến đầu tư nhằm nắm quyền kiểm soát tài nguyên ở những nơi đó”, Chủ tịch Ray Washburne của OPIC phát biểu trong một sự kiện ở trụ sở tại Washington ngày 12/9.
Ông Washburne chỉ trích rằng Trung Quốc đang cố tình đẩy những nước đối tác vào bẫy nợ, sau đó đòi quyền kiểm soát “nguồn khoáng sản, đất hiếm hoặc nhiều tài sản chiến lược khác làm phí đền bù cho các khoản vay”.
Gần 5 năm trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khởi xướng đại kế hoạch kết nối kinh tế Á – Âu với tên gọi “Nhất đới Nhất lộ” (Con đường và Vành đai) thông qua các khoản đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khổng lồ.
Bản chất của sáng kiến “Nhất đới Nhất lộ” đã bị “lòi đuôi” khi vào tháng 12/2017 khi Sri Lanka phải chấp nhận bán cho Trung Quốc phần lớn cổ phần trong cảng Hambantota với giá 1,12 tỷ USD để trả nợ.
Những tuần gần đây, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cũng đã công khai chỉ trích rằng một số dự án cơ sở hạ tầng được Trung Quốc đầu tư sẽ chỉ khiến nợ quốc gia của nước này tăng lên.
Trong bối cảnh toàn cầu đang gia tăng “sức đề kháng” với đầu tư từ Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tìm cách xoa dịu lo ngại của cộng đồng quốc tế bằng cách nói rằng những gói đầu tư ra nước ngoài này của Trung Quốc không phải nhằm mục đích tạo ra một “câu lạc bộ Trung Quốc”.
Tại một hội thảo ngày 27/8, ông Tập khẳng định Trung Quốc cần “ưu tiên lợi ích của nước đối tác và xúc tiến những dự án có lợi cho người dân nước đó”.
Thêm một nỗ lực rõ ràng khác của Trung Quốc để củng cố tính hợp pháp của sáng kiến “Vành đai và Con đường” trong mắt cộng đồng toàn cầu, Bắc Kinh cũng đang thuyết phục Nhật Bản hợp tác đầu tư cho những dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực.
Trước đó, OPIC cùng hai quốc gia khác là Australia và Nhật Bản cũng đã ký một biên bản ghi nhớ thúc đẩy các dự án phát triển tài chính tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Ông Washburne cho rằng Nhật Bản là một trong những nước đặc biệt lo ngại sự gia tăng sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. “Hai quốc gia này rất cạnh tranh nhau ở đó”, ông nói.
Giám đốc truyền thông của OPIC, bà Carol Danko, cho rằng việc Nhật Bản và Trung Quốc hợp tác đầu tư vào những dự án cơ sở hạ tầng là điều rất khó xảy ra vì Nhật Bản luôn tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển tài chính.
Kiều Ngọc (Tổng hợp)