Đại Kỷ Nguyên

Quảng Nam tính mua đất rừng của dân để cứu đàn voọc chà vá chân xám

Voọc chà vá chân xám ở khu vực Hòn Dồ có khoảng 20 cá thể. (Ảnh: Dân Trí)

UBND tỉnh Quảng Nam đã lên phương án mua đất rừng sản xuất của người dân để đảm bảo môi trường sống của đàn voọc chà vá chân xám có nguy cơ tuyệt chủng.

Báo Dân Trí đưa tin, ngày 9/8, ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đã có chuyến đi thực địa tại khu vực sống của đàn voọc chà vá chân xám ở núi Hòn Dồ (xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam).

Quần thể voọc chà vá chân xám tại đây có khoảng 20 con, sống trong tổng diện tích rừng tự nhiên khoảng hơn 10 ha.

Ông Thanh cho biết, đàn voọc chà vá chân xám sống ở khu vực núi Hòn Dồ trong phạm vi quá nhỏ, được bao quanh và bị chia cắt bởi các rừng keo, nương rẫy của người dân nên việc phát triển, sinh trưởng của đàn voọc bị ảnh hưởng.

Báo Lao Động dẫn lời ông Thanh, để bảo vệ đàn voọc cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, tổ chức quản lý, giáo dục, tuyên truyền. Trong đó, quan tâm đến việc bảo vệ diện tích rừng hiện có và phục hồi dải rừng của khu vực có phân bố đàn voọc.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền và tổ chức ký cam kết cộng đồng không săn bẫy thú rừng quý hiếm.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cần có phương án mua rừng sản xuất của người dân bao quanh khu vực núi Hòn Dồ để đảm bảo quần thể sống của đàn voọc rộng hơn. Ngoài ra, cũng cần trồng lại rừng, vừa giúp việc di chuyển và đảm bảo thức ăn cho đàn voọc.

Voọc chà vá chân xám nằm trong danh sách các loài cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ của IUCN và là một trong 25 loài linh trưởng bị đe dọa nhất thế giới.

Voọc chà vá chân xám có tên khoa học là Pygathrix cinerea, đây loài đặc hữu của Việt Nam, phân bổ ở khu vực trung Trường Sơn, trên địa bàn năm tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai.

Năm 2016, Tổ chức Động thực vật hoang dã quốc tế Fauna & Flora International đã công bố việc phát hiện quần thể 500 cá thể chà vá chân xám và nâng tổng số lượng loài này lên 1.000 cá thể.

Vũ Loan

Exit mobile version