Chính phủ vừa ban hành Nghị định 83/CP sửa đổi về kinh doanh xăng dầu, trong đó loại bỏ một số điều kiện về kinh doanh xăng dầu theo hướng tháo gỡ khó khăn, có lợi cho người tiêu dùng.
Nới lỏng điều kiện kinh doanh xăng dầu
Điểm nổi bật trong Nghị định 83 sửa đổi điều kiện kinh doanh xăng dầu là việc cắt giảm nhiều điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xăng dầu như: bãi bỏ điều kiện cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải có địa điểm phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bãi bỏ điều 10 về điều kiện sản xuất xăng dầu và nhiều quy định khác, theo An ninh Thủ đô.
Với quy định mới này, thị trường xăng dầu có thể có sự tham gia của nhiều thương nhân hơn, từ đó tăng tính cạnh tranh và người tiêu dùng được hưởng lợi.
Tương tự, từ ngày Nghị định này có hiệu lực đến năm 2025, thương nhân sản xuất xăng dầu có hệ thống phân phối trên thị trường trong nước phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng 30 ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân 1 ngày của năm trước liền kề, cả về cơ cấu chủng loại; bao gồm dự trữ phục vụ an ninh năng lượng quốc gia, dự trữ lưu thông bắt buộc, theo Dân trí.
Không hạn chế mức giảm giá xăng dầu
Theo Nghị định 83 sửa đổi, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Thương nhân đầu mối có trách nhiệm tham gia bình ổn giá theo quy định của pháp luật hiện hành và được nhà nước bù đắp lại những chi phí hợp lý khi tham gia bình ổn giá. Thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá.
Theo đó, khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm so với giá cơ sở liền kề trước đó, trong thời hạn quy định, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tối thiểu tương ứng giá cơ sở tại thời điểm thương nhân điều chỉnh giá; đồng thời gửi văn bản kê khai giá, quyết định điều chỉnh giá đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (liên Bộ Công Thương – Tài chính) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức giá được điều chỉnh; không hạn chế mức giảm, khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm giá.
Chia sẻ trên An ninh thủ đô, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng việc điều hành giá xăng nên thực hiện 7 ngày/lần thay vì 15 ngày như hiện nay để giá xăng trong nước bám sát diễn biến giá thế giới. Kiến nghị này được nhiều người đồng tình, ngay cả trong điều kiện giá xăng dầu tăng giá.
Nguyễn Trang