Ngỡ ngàng trước thông tin rau tầm bóp, càng cua, rau sam,… ở nước ngoài được coi là “thần dược” nên suốt năm 2017, dân Việt bắt đầu lùng mua các loại rau dại vốn mọc ở bờ rào về ăn với giá đắt đỏ hơn cả thịt cá.
Xôn xao rau quả dại “thần dược”
Không phải các loại thực phẩm xa xỉ như trứng cá tầm đen tiền tỷ hay cua hoàng đế, tôm hùm Alaska giá lên tới chục triệu đồng/kg, thứ khiến dân Việt ngỡ ngàng và có phần bất ngờ trong năm vừa qua chính là thông tin về những loại rau, quả dại mà một số nước trên thế giới coi là “thần dược”.
Đầu tiên phải kể loại quả dại tầm bóp. Đây là loại quả đã khiến dân Việt xôn xao khi mạng xã hội facebook của giới du học sinh và người lao động của Việt Nam tại Nhật Bản đăng tải bức ảnh chụp khay quả tầm bóp được đóng gói theo trọng lượng 100gram, niêm yết giá 338 Yên (tương đương khoảng 70.000 đồng/lạng).
Bức ảnh này được lan truyền chóng mặt, làm cho người Việt ngỡ ngàng, bởi ở Việt Nam, tầm bóp được coi là cỏ dại mọc đầy ruộng, bờ rào, thường xuyên phải nhổ bỏ đi. Ấy thế mà ở đất nước mặt trời mọc, tầm bóp lại có giá tới 700.000 đồng/kg, đắt chẳng kém gì các loại hoa quả nhập khẩu cao cấp mà dân Việt vẫn phải lùng mua.
Tương tự, bèo tây (bèo lục bình) ở Nhật có giá lên tới 80 Yên (khoảng 16.000 đồng) một nhánh nhỏ. Trong khi đó, nước ta bèo tây chủ yếu để làm thức ăn cho gia súc, thậm chí một số địa phương còn phải chi tiền tỷ để vớt bỏ đi vì tốc độ sinh sôi nảy nở của chúng quá nhanh, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Sau thông tin khiến dư luận xôn xao về quả dại tầm bóp, bèo tây, người Việt lại mắt tròn mắt dẹt khi hay biết, ở Philippines, Trung Quốc, Brazil,… coi rau càng cua là “thần dược” để chữa trị ung nhọt, vết loét, điều trị viêm kết mạc, trị sốt rét, đau đầu, hỗ trợ điều trị tiểu đường,… Thế nhưng, rau càng cua cũng chịu chung số phận “cỏ dại” mọc hoang đầy vườn, bờ rào và cũng bị nhổ bỏ không thương tiếc, giống như tất cả các loại cỏ dại khác.
Không chỉ bất ngờ với rau quả “thần dược”, người ta còn ngạc nhiên hơn khi biết thông tin bên “Tây” như Hà Lan, Pháp, Mỹ,… lại rất thích rau sam. Đặc biệt, người Trung Quốc xưa còn coi rau sam là loại “rau trường thọ”. Đáng chú ý, công dụng của rau sam không phải là đồn thổi mà theo các nhà khoa học Mỹ và Úc, trong rau sam có chứa nhiều axít béo omega-3 hơn các loại rau ăn lá khác. Đây cũng là loại rau chứa nhiều loại vitamin và các chất khoáng như magiê, canxi, kali và sắt.
Cơn sốt rau dại, giá đắt hơn thịt
Biết các loại rau dại ở nước mình đều là “thần dược”, dân Việt bắt đầu săn mua về ăn vì ngộ ra rằng, ngoài tác dụng tốt cho cho sức, rau dại cũng được xếp vào danh sách rau sạch. Bởi, theo đa phần các bà nội trợ, rau dại mọc hoang, không phải rau trồng, không phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật nên có lẽ chúng sạch hơn, ăn yên tâm hơn.
Chẳng thế mà mới đây, sau khi hay biết thông tin ăn rau càng cua tốt cho sức khỏe, ngay lập tức loại rau ăn có vị ngọt xen lẫn chua, thêm chút giòn này đã tạo nên cơn sốt, được nhiều người lùng mua về ăn với giá từ 70.000-110.000 đồng/kg, đắt ngang thịt.
Bên cạnh đó, các “nông dân sân thượng” cũng bắt đầu để mắt tìm mua bằng được hạt giống về gieo trồng trên sân thượng lấy rau ăn hàng ngày. Chỉ trong thời gian ngắn, từ loại rau dại bị nhổ vứt đi, rau càng cua được trồng đầy vườn, phủ khắp các sân thượng.
Nhiều bà nội trợ tâm sự, giá không chỉ đắt gấp đôi gấp ba các loại rau thường, thậm chí đắt hơn thịt cá bán ngoài chợ, mỗi lần đi chợ, muốn ăn các loại rau càng cua, rau tầm bóp, rau dền cơm hay rau sam, các bà đều phải đặt trước hàng rau để họ phần cho mình.
Thậm chí, họ còn đua nhau đặt mua quả tầm bóp, giống như người Nhật đang ăn với giá 700.000 đồng/kg.
Thế nhưng, vì cuồng quả dại, săn mua ăn bằng được nên ít ai biết được rằng, quả tầm bóp bán ở Việt Nam hồi cuối tháng 10 và tạo nên cơn sốt với giá 150.000-200.000 đồng/kg không phải là tầm bóp dại được thu hái từ rừng núi, từ những cánh đồng bỏ hoang, chúng là hàng Trung Quốc, được người Trung Quốc trồng rất nhiều để lấy quả thành phẩm cung cấp ra thị trường.
Trước các cơn sốt rau dại tại Việt Nam trong suốt năm qua, một số chuyên gia trong ngày chia sẻ, nhiều loại rau dại ăn rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, coi chúng là rau sạch thì chưa hẳn đã đúng bởi còn phụ thuộc vào môi trường nơi chúng mọc. Nếu mọc nơi nguồn nước bị ô nhiễm, thu hái ở những bờ ruộng trên cánh đồng trồng hoa màu mà bị phun thuốc bảo vệ thực vật thì chuyện lây nhiễm chéo là không thể tránh khỏi và ngược lại.
Hoàng Kỳ