Đại Kỷ Nguyên

Rơm rạ giá cao ngất ngưởng, nhiều người vẫn tranh giành mua

Nắng nóng gay gắt kéo dài ở Ninh Thuận khiến lượng cỏ tươi ngày càng cạn kiệt. Nhiều hộ chăn nuôi gia súc ở đây phải chuyển sang mua rơm rạ làm thức ăn cho bò, dê, cừu… khiến giá của thứ phế phẩm bị nhiều nơi đốt bỏ tăng đột biến.

Theo Dân Việt, thời gian gần đây giá rơm rạ tăng liên tục vẫn đắt như… tôm tươi. Cụ thể, giá mỗi chuyến xe máy cày chở rơm dao động từ 1,5-2,2 triệu đồng, cao gấp 2-3 lần so với trước đây. Tính trung bình mỗi cuộn rơm rạ có giá 35 nghìn đồng.

Rơm rạ giá cao nhưng nhiều người dân vẫn phải tranh giành mới mua được lượng rơm cần thiết về làm thức ăn cho bò, dê, cừu…

Rơm rạ đắt như tôm tươi tại Ninh Thuận. (Ảnh: Dân Việt)

Ông Ka Tơ Xuân (xã Phước Trung, huyện Bác Ái) cho biết gia đình ông đã gắn bó với nghề nuôi bò hơn 20 năm nay. Những con bò được coi là “trụ cột kinh tế”, mang lại nguồn thu chính cho gia đình ông.

Theo ông Xuân, những năm trước, thức ăn chính của đàn bò là từ những đồng cỏ tự nhiên. Tuy nhiên, từ đầu tháng 3 đến nay, nắng nóng diễn ra vô cùng khốc liệt khiến cỏ trên các cánh đồng chết khô. Vì vậy, để cứu đàn bò, mỗi ngày ông phải đi xe máy hàng chục cây số để mua rơm về làm thức ăn cho chúng.

Ông Xuân than thở rằng tìm mua những cuộn rơm rạ khô vào thời điểm này không hề dễ dàng. Mỗi cuộn rơm mua tại ruộng có giá 25 nghìn đồng, còn mua qua các thương lái thì giá 35 nghìn đồng. Gia đình ông đang nuôi 10 con bò, mỗi ngày phải bỏ chi phí hơn 100 nghìn đồng mua rơm rạ.

Nắng nóng khô hạn kéo dài khiến nhiều cánh đồng chỉ còn lại cỏ khô. (Ảnh: Dân Việt)

Tương tự, một hộ chăn nuôi ở huyện Bác Ái khác lo lắng đàn bò của gia đình khó sống nổi nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài khi hiện cỏ trên các cánh đồng đã chết khô, trong khi mấy ngày nay vẫn chưa mua được rơm từ các thương lái.

Như vậy, trong khi rơm rạ ở nhiều miền quê thường bị người dân đốt bỏ tại đồng sau khi thu hoạch lúa gây ô nhiễm môi trường thì tại Ninh Thuận chúng được nhiều người dân quý như vàng.

Thực tế, các nhà khoa học đã chỉ rõ, rơm rạ là một nguyên liệu đa dụng, không phải là phế phẩm. Cho nên, đốt rơm rạ vừa lãng phí tài nguyên vừa gây ô nhiễm môi trường.

Cụ thể, Dân trí dẫn tính toán của các nhà nông học cho thấy cứ 1 ha lúa sẽ cho 6 tấn rơm rạ, nếu đem đốt bỏ sẽ lãng phí mất khoảng 6 triệu đồng. Trong khi đó, cùng khối lượng rơm rạ ấy nếu đem xử lý bằng chế phẩm sinh học sẽ thu được khoảng 400 kg phân hữu cơ.

Điều đó đồng nghĩa với hàng năm với toàn bộ số rơm rạ cả nước là 45 triệu tấn đem xử lý sẽ được 20 triệu tấn phân hữu cơ, giúp người làm nông dân đỡ phải bỏ tiền mua phân hóa học (200.000 tấn đạm, 190.000 tấn lân và 460.000 tấn kali) gần 11.000 tỷ đồng.

Nguyễn Trang

Exit mobile version