Đại Kỷ Nguyên

Rupee đang là đồng tiền tồi tệ nhất châu Á, kinh tế Ấn Độ sẽ ảm đạm?

Thay vì lo lắng đồng Rupee suy yếu sẽ khiến kinh tế Ấn Độ rơi vào khủng hoảng, nhiều chuyên gia lại nhận định rằng đây là tín hiệu tích cực cho đà phát triển của nước này.  

Vào ngày cuối cùng của tháng 8, chính phủ Ấn Độ công bố tăng trưởng GDP của nước này trong quý II/2018 với một con số đầy ấn tượng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, con số này kể từ đó lại được xem là một tin xấu.

Thị trường chứng khoán Ấn Độ đã giảm điểm mỗi ngày sau tin đồng Rupee giảm tới 12,5% kể từ đầu năm đến nay – trở thành một trong những đồng tiền giảm mạnh nhất châu Á.

Trái ngược với tâm trạng lạc quan của giới kinh doanh Ấn Độ, thị trường toàn cầu đang lo lắng về một đợt suy giảm mang tính dây chuyền khi các nền kinh tế mới nổi như Argentina và Thổ Nhĩ Kỹ đang rơi vào tình trạng sa sút trong thời gian gần đây.

Trong quý II/2018, lĩnh vực sản xuất của Ấn Độ tăng 13,5% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với mức tăng 1,7% của cùng kỳ năm trước. Ngành xây dựng cũng tăng 8,7%, vượt con số 1,8% của quý II/2017. Kết quả kinh doanh tại Ấn Độ cũng đạt con số tích cực.

Đồng Rupee Ấn Độ. (Ảnh: Xinhua)

Theo SCMP, một năm trước, tăng trưởng GDP của Ấn Độ rơi xuống mức 5,6% sau khi chính phủ nước này ban hành chính sách phi tiền tệ hóa để 86% lượng tiền lưu thông trở nên không có giá trị pháp lý vào tháng 11/2016. Nhưng 2 năm qua, mức tăng trưởng GDP trung bình của Ấn Độ trước đó luôn là gần 7%.

Câu hỏi quan trọng được đặt ra là trong những tháng tới, tốc độ tăng trưởng GDP chóng mặt này có được giữ vững khi Ấn Độ phải đối mặt với những khó khăn trên toàn cầu hay không?

Giá dầu đã tăng khoảng 50% trong vòng 1 năm qua, lên mức 77 USD/thùng. Điều này đã đẩy khoản thâm hụt vãng lai của Ấn Độ tăng lên 2,6% GDP, trong khi đồng Rupee giảm đẩy lạm phát lên mức 5% – cao hơn mục tiêu của cơ quan tiền tệ nước này là 4%.

Giá hàng hóa tăng khiến Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã tăng lãi suất chuẩn 2 lần kể từ đầu năm nay, một lần vào tháng 6 và một lần vào tháng 8, nâng mức lãi suất lên 6,5%. Động thái này của RBI dự kiến sẽ làm hạn chế chi tiêu trong mùa lễ hội sắp tới.

Tăng trưởng theo đó cũng có thể sẽ ra khỏi mức cao, mặc dù hầu hết giới quan sát dự đoán tăng trưởng GDP sẽ vẫn vượt mức 7,1% của quý I/2018.

Bài học từ quá khứ

Hầu hết mọi biến động của giá dầu trên toàn cầu trong 4 thập kỷ qua đều có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Ấn Độ khi đây là quốc gia nhập khẩu hầu như toàn bộ dầu mỏ và khí đốt. Các cú sốc giá dầu nước này từng gặp phải có thể kể đến những năm 1979, 1991, 2008 và 2013.

Vào hai cú sốc dầu đầu tiên, Ấn Độ đã phải xin trợ giúp từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, còn trong cú sốc năm 2013, nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á đã trở thành nền kinh tế “mỏng manh” khi đồng Rupee giảm hơn 20% chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng.

Ấn Độ chỉ duy nhất tự vượt qua được cuộc khủng hoảng giá dầu vào 2008 bằng dòng vốn mạnh giúp chống lại được sự gia tăng của mức thâm hụt tài khoản vãng lai.

Tuy nhiên, với đợt tăng giá dầu lần này, dòng vốn đã đi theo hướng khác. Trong khi đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vẫn tiếp tục chảy vào và dòng tiền đầu tư từ thị trường chứng khoán đã ở mức cận biên trong năm nay, dòng nợ của Ấn Độ đã vượt quá mức 7 tỷ USD.

Giá trị đồng Rupee giảm và lạm phát gia tăng, kinh tế Ấn vẫn Độ đang tăng trưởng nhanh. (Ảnh: Reuters)

Dự trữ ngoại hối của RBI đã giảm mạnh trong 4 tháng qua, mất khoảng 25 tỷ USD xuống còn 401 tỷ USD. Tuy đây vẫn là một con số khá thoải mái, nhưng giới đầu tư dự đoán khoản dự trữ này sẽ giảm thêm nữa từ giờ đến cuối năm do cán cân thanh toán yếu.

Điểm bù đắp duy nhất cho Ấn Độ trong thời điểm này là giá dầu đã không tăng quá nhiều như trong quá khứ. Và so với con số thâm hụt vãng lai bằng 5% GDP của Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ chỉ mới ở mức 2,5%.

Kiểm soát chặt chẽ khoản thâm hụt này sẽ chỉ làm cho tốc tộ tăng trưởng kinh tế lao dốc thêm. Đó không phải là bước đi đúng đắn.

Điểm đáng lo ngại là tốc độ xuất khẩu hàng hóa của nước này đã tương đối chững lại trong một vài năm trở lại đây trong khi nhập khẩu tăng lên. Một phần nguyên nhân tạo ra nhập siêu là đồng Rupee đắt hơn khiến xuất khẩu giảm.

Vì lý do đó, nhiều người cho rằng đồng Rupee suy yếu là một dấu hiệu tích cực. Giá cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu công nghệ và dược phẩm đang được đánh giá lạc quan. Điều này có nghĩa là kinh tế Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trưởng theo chu kỳ với tốc độ quanh 7%.

Kiều Ngọc (T/h)

Exit mobile version