Hiệp hội Giấy và Bột giấy cho rằng việc đầu tư sản xuất bột giấy tái chế để xuất khẩu có tác động rất xấu cho các doanh nghiệp giấy trong nước. Ngoài ra, tình trạng bột sạch đưa về Trung Quốc còn rác để lại Việt Nam sẽ lan rộng và khó kiểm soát, tạo ra nguy cơ lớn về ô nhiễm môi trường.
Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy, từ cuối năm 2017 đến nay, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam để nhập khẩu giấy bao bì và tìm cách liên doanh sản xuất bột giấy tái chế. Phương pháp là đánh tơi giấy phế liệu thành bột, sau đó sàng lọc rồi xeo thành tấm, cuộn hay ép thành khối bột rồi xuất về Trung Quốc. Như vậy, bột giấy sạch được đưa về Trung Quốc còn rác bẩn ở lại Việt Nam.
Nguyên nhân của hiện tượng này là do Trung Quốc siết chặt việc kiểm soát ô nhiễm môi trường, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, trong đó có sản xuất giấy.
Từ năm 2012, chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng với công nghệ hiện đại, đồng thời đầu tư ra nước ngoài để xuất khẩu về lại Trung Quốc. Song song với đó, chính phủ nước này cũng loại bỏ dần các nhà máy giấy quy mô nhỏ, thiết bị và công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó, Trung Quốc cũng thắt chặt việc cấp phép nhập khẩu giấy phế liệu hỗn hợp khiến các doanh nghiệp nước này rơi vào tình cảnh thiếu nguyên liệu để sản xuất, thiếu hụt giấy thành phẩm, đặc biệt là giấy bao bì.
Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển hướng hoạt động sang Việt Nam.
Theo đánh giá của Hiệp hội Giấy, việc đầu tư sản xuất bột giấy tái chế để xuất khẩu có tác động rất xấu đến các doanh nghiệp giấy trong nước và làm giảm cơ hội xuất khẩu giấy thành phẩm làm bao bì sang Trung Quốc. Đặc biệt, tình trạng bột giấy sạch đưa về Trung Quốc còn rác ở lại Việt Nam sẽ lan rộng và khó kiểm soát, tạo ra nguy cơ rất lớn về ô nhiễm môi trường.
Hiệp hội cảnh báo hiện hiện một số doanh nghiệp Việt vì hám lợi trước mắt đang có dự định liên doanh với doanh nghiệp Trung Quốc để thực hiện việc này. Thậm chí, họ cũng đang thoả thuận ký hợp đồng mua thiết bị đầu tư cho các dự án thành lập cơ sở sản xuất bột giấy tái chế để xuất sang Trung Quốc.
Do vậy, Hiệp hội kiến nghị Bộ Công Thương có giải pháp cấm đầu tư sản xuất bột giấy tái chế nhằm mục đích xuất khẩu và cấm xuất khẩu bột giấy tái chế dưới mọi hình thức.
Những năm gần đây, Trung Quốc luôn là thị trường chủ lực xuất khẩu giấy và sản phẩm từ giấy của Việt Nam và chiếm tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, 7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc tăng đột biến. Cụ thể, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy kim ngạch xuất khẩu giấy và sản phẩm từ giấy lũy kế 7 tháng đầu năm đạt 591,5 triệu USD, tăng 59,1% so với cùng kỳ 2017. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ giấy lớn nhất của Việt Nam từ đầu năm đến nay, chiếm tỷ trọng 27,2%. Kim ngạch xuất khẩu giấy sang thị trường này đạt 160,9 triệu USD, tăng gấp hơn 11 lần (1028,97%) so với cùng kỳ 2017. Đứng thứ hai là các nước Đông Nam Á nói chung, chiếm 25,4% tỷ trọng, kim ngạch đạt 150,2 triệu USD, tăng 41,19%. Mỹ là thị trường đứng thứ ba với kim ngạch 70,6 triệu USD, tăng 15,9%. |
Nguyễn Trang (th)