Đại Kỷ Nguyên

Sạt lở nham nhở khắp ĐBSCL, triều cường ‘nuốt’ hết làng chài Phan Thiết

Người dân ở huyện An Minh bắt cầu đi qua điểm xói lở thành hàm ếch. (Ảnh: Người Lao Động)

Từ đầu năm 2018, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực ĐBSCL diễn biến phức tạp. Còn tại vùng biển Phan Thiết (Bình Thuận), triều cường tiếp tục hung dữ, đe dọa “nuốt” hết làng chài Tiến Đức.

Tình trạng sạt lở ở khu vực ĐBSCL trải dài bờ sông đến đê biển. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 7 vụ sạt lở bờ sông Hậu và trên các tuyến kênh, rạch lớn thuộc các huyện An Phú, Châu Phú, Chợ Mới, thị xã Tân Châu và Tp. Long Xuyên, theo Người Lao Động.

Tại Đồng Tháp, đến nay, trên bờ sông Tiền đi qua Đồng Tháp đã xảy ra hàng chục vụ sạt lở ở 25 xã, phường, thị trấn với tổng chiều dài đến 35km, cuốn trôi hơn 13 ha đất ven bờ, thiệt hại hơn 29 tỷ đồng.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra sạt lở đất dọc bờ bao, kênh, rạch, sông nội đồng với chiều dài sạt lở hơn 5km, sâu vào bờ từ 2-6m. Tổng diện tích sạt lở là 1,3 ha, ước thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.

Cần Thơ cũng có trên 100 vị trí có nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài khoảng 52,7km. Dọc các bãi biển ở ĐBSCL cũng đang ngày càng hoang phế khi mất từ 30-100m độ sâu/năm.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, đến nay trên địa bàn tỉnh có 80% đường bờ biển bị sạt lở, với diện tích khoảng 305 ha/năm. Trong khi đó, ở Kiên Giang, cho hay tình hình xói lở bờ biển trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp do sóng biển tác động làm hư hại rừng phòng hộ.

Trong đó, đoạn bờ biển trên địa bàn huyện An Minh có một vài đoạn xói lở đến thân đê. Tại Mũi Rãnh vàm sông Cái Lớn của huyện An Biên, xói lở đang “gặm” gần hết đai rừng với đoạn dài 2km.

Để giải quyết tình trạng trên, theo nhận định của ngành chức năng, trước mắt cần nguồn kinh phí rất lớn để hỗ trợ di dời, tái định cư đối với những hộ dân ở vùng nguy hiểm cũng như xây dựng hệ thống đê, kè chống sạt lở.

Trong khi đó, thực tế nguồn kinh phí để chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch và bờ biển ở địa phương rất hạn chế. Do đó có nhiều điểm sạt lở xảy ra rất nhiều năm và có dấu hiệu lan rộng, nhưng vẫn chưa làm được kè bằng kết cấu bê tông để khắc phục.

Tại Phan Thiết, tình trạng triều cường dâng cao, làm hư hại nhà dân cũng diễn ra phức tạp. Những ngày qua triều cường tiếp tục ùa vào, cuốn theo nhà cửa, tài sản người dân thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành, Tp. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, theo VnExpress.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, cả gia đình đã làm hết cách để ngăn triều cường nhưng đành bất lực. “Hiện người dân chúng tôi đã hết cách chống đỡ rồi, chỉ còn trông vào nhà nước hỗ trợ mới nổi”, bà Hà kêu cứu.

Những năm gần đây, cứ đến mùa gió bấc là những khu vực ven biển thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận lại phải hứng chịu những cơn gió mạnh kết hợp với triều cường dâng cao gây sạt lở các công trình và làm sập nhà dân.

Tính đến nay, đã có 14 căn nhà ở thôn Tiến Đức bị đổ sập hoàn toàn, hơn 50 căn nhà khác bị hư hỏng do triều cường, sóng biển tàn phá.

Hồi cuối tháng 12 năm ngoái, đã có 57 khẩu thuộc 11 hộ ven biển thôn Tiến Đức trở thành vô gia cư bởi nhà đã bị sóng biển đánh sập hoàn toàn.

Ánh Tuyết

Exit mobile version