Trong khi dịch tả lợn châu Phi – một loại dịch bệnh nguy hiểm do virus gây ra – đã xuất hiện tại Trung Quốc và đang tiến sát Việt Nam, tình trạng vận chuyển thịt lợn không rõ nguồn gốc tại khu vực giáp biên giới với Trung Quốc vẫn xảy ra.
Theo Báo Tin tức, liên tiếp trong các ngày gần đây, lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thịt lợn không rõ nguồn gốc tại khu vực giáp biên giới Trung Quốc thuộc huyện Hải Hà (Quảng Ninh).
Mới đây nhất, ngày 12/9, Công an xã Quảng Đức đã bắt giữ một xe tải vận chuyển trái phép hơn 300 kg thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ đi hướng từ Cửa khẩu Bắc Phong Sinh ra Quốc lộ 18A.
Người điều khiển xe tải trú tại xã Quảng Đức khai nhận thu mua số thịt lợn trên từ bản Pò Hèn cùng xã vận chuyển về các chợ trong huyện Hải Hà để tiêu thụ và không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của số thịt lợn đã thu mua.
Trước đó, ngày 8/9, Công an xã Quảng Đức đã bắt giữ một phụ nữ trú tại xã Quảng Phong dùng xe máy chở 130 kg thịt lợn không rõ nguồn gốc đi từ khu vực Cửa khẩu Bắc Phong Sinh ra Quốc lộ 18A.
Vào ngày 16/8, trong quá trình tuần tra, Công an xã Quảng Đức cũng phát hiện một phụ nữ khác trú tại xã Quảng Phong điều khiển xe máy chở 100 kg thịt lợn không rõ nguồn gốc.
Theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây, các đối tượng vẫn lén lút vận chuyển lợn thịt, lợn giống vào Việt Nam qua cung đường thuộc khu vực vành đai biên giới giáp với Trung Quốc, thuộc huyện Hải Hà.
Dọc Quốc lộ 18C, khu vực vành đai biên giới từ cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu) đến cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) cũng tồn tại nhiều điểm tập kết lợn thịt, lợn giống không rõ nguồn gốc. Điểm tập kết có thể là nhà dân ở các thôn, bản giáp biên, lùm cây ven suối, hoặc đơn giản là chính chiếc xe tải chuyên dùng vận chuyển lợn.
Người dân cho biết bản Mốc 13 (xã Quảng Đức) là một trong những điểm thuận lợi nhất cho việc vận chuyển lợn nhập lậu. Nơi này chỉ cách thôn Lý Hỏa, Thị trấn Na Lương (Trung Quốc) một con suối nhỏ.
Do địa hình thuận lợi như vậy, lại có đông đảo lực lượng lao động địa phương sẵn sàng sang Trung Quốc gánh lợn qua suối về nên tình trạng người dân vận chuyển mỡ lợn, thịt lợn từ Trung Quốc về Việt Nam diễn biến rất phức tạp.
Chia sẻ trên báo Nông thôn Ngày nay ngày 12/9, lãnh đạo xã Quảng Đức cho biết ngay sau khi nhận được Công điện khẩn về việc chủ động ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào tỉnh Quảng Ninh, xã đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý các đối tượng cố tình mua bán lợn, thịt lợn không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, chủ yếu là công an xã và dân quân tự vệ nên vẫn tồn tại một số vụ.
Trong khi đó, tại Lạng Sơn – nơi có trên 231 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc – tình trạng vận chuyển, buôn bán và nhập lậu sản phẩm từ thịt lợn trên địa bàn vẫn xảy ra. Riêng trong tháng 8/2018, tỉnh này đã tổ chức tiêu hủy 1.500 kg nầm lợn “xách tay” từ bên kia biên giới. Do vậy, nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn là rất cao.
Trước nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả châu Phi, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành công văn cấm các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc qua biên giới, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 30/8 đã có công điện khẩn gửi các tỉnh thành và bộ ngành liên quan nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh tả lợn châu Phi vào Việt Nam. Công văn chỉ đạo các chi cục kiểm dịch động vật vùng Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh phối hợp với những đơn vị liên quan tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển bất hợp pháp lợn và sản phẩm lợn vào Việt Nam.
(Tổng hợp)