Bê bối của Khaisilk không chỉ gây tổn thất riêng cho thương hiệu này, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu lụa Việt nói chung.
Thế nên, chẳng lạ khi lụa Vạn Phúc qua một đêm bị đẩy vào vùng mắt bão.
“Có phải hàng Tàu?”
Với một làng lụa truyền thống bậc nhất ở đất kinh kỳ, vụ bê bối của Khaisilk khiến người dân nơi đây đặc biệt quan tâm. Thực ra, họ không muốn quan tâm tìm hiểu cũng không được bởi những ngày qua thường xuyên phải trả lời, giải đáp cho khách hàng những câu hỏi: Có liên quan gì đến Khaisilk , hay lụa ở đây có phải hàng Tàu?
Một người dân làng lụa vang danh này cho báo chí biết, những ngày qua khách vào làng toàn hỏi đường vào các xưởng dệt để tận mắt thấy lụa này là của Việt Nam, không phải lụa Tàu; một số khác cũng hỏi có cửa hàng nào bán lụa Việt không?
Một vị khách ở miền trong trao đổi trên Vietnamnet, mấy năm trước đã mua sản phẩm của Vạn Phúc và rất hài lòng, nay muốn ghé qua làng lụa mua thêm ít quần áo, khăn về mặc nhưng sợ mua nhầm phải lụa Trung Quốc trà trộn.
“Chúng tôi vẫn nghi ngờ và phải hỏi lại, vì đến thương hiệu nổi tiếng tầm quốc gia như Khaisilk kia còn làm ăn gian dối, buôn lụa Trung Quốc về gắn mác lụa Việt cơ mà”.
Ngay cả với người ngoại quốc, vốn tiếng Việt khiêm tốn cũng thận trọng: “Ở đây bán lụa Việt, có lẫn lụa Trung Quốc như Khaisilk bán không?”.
Nhiều chủ cửa hàng chia sẻ, dù sản phẩm bày bán 100% lụa Việt, nhưng khi Khaisilk thừa nhận bán lụa Trung Quốc, khách nào vào cũng hỏi hàng ở đây có phải hàng Tàu?!
Chèo chống trong sóng lớn
Giải tỏa những câu hỏi về việc lụa Vạn Phúc có liên quan gì tới Khaisilk, ông Phạm Khắc Hà – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề lụa Vạn Phúc khẳng định làng nghề này không cung cấp lụa cho Tập đoàn Khaisilk.
Theo ông Hà, có một thời gian, để tiêu thụ được hàng hóa người dân Vạn Phúc thường mang các sản phẩm lên phố Hàng Gai tiêu thụ sản phẩm, mà một trong những nhà buôn là chủ Khaisilk.
Theo ông Hà, dù không dính dáng gì tới Khaisilk, nhưng trong sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường với lụa Trung Quốc và các sản phẩm dệt công nghiệp, các nghệ nhân làng lụa Vạn Phúc luôn cố gắng để chèo chống trong từng cơn sóng lớn.
Nhất là các sản phẩm dệt công nghiệp có giá rẻ, và từng được bày bán ngay trên chính làng lụa, khiến cho niềm tin của khách hàng với các sản phẩm lụa truyền thống giảm sút.
Vượt khó khăn, tự chuyển mình, đến nay làng lụa Vạn Phúc bằng sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu để lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng. Trên mỗi lô vải lụa, các nghệ nhân sẽ dập mẫu logo riêng là đặc trưng cho sản phẩm lụa của từng gia đình.
Các điểm bán cũng được yêu cầu phải niêm yết công khai giá bán, tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm để người tiêu dùng nhận biết, phân biệt. Sự chuyên nghiệp, những nỗ lực và ý thức trách nhiệm, tôn trọng khách hàng đã đưa lụa Vạn Phúc trở lại vị trí là thương hiệu lụa hàng đầu.
Tuy nhiên, điều ngậm ngùi không chỉ là của riêng ông Hà mà là của những người còn nặng lòng với lụa Việt, là đến nay, làng lụa Vạn Phúc chỉ còn 165 gia đình giữ nghề truyền thống.
Hoàng Minh (T/H)