Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thống nhất với quy định “cấm quảng cáo rượu, bia trên 15 độ cồn”.
Chiều 17/9, Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã nhận được những ý kiến đầu tiên từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo Tiền Phong.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sử dụng rượu, bia là thói quen tiêu dùng đã tồn tại lâu đời ở nhiều nước cũng như Việt Nam. Sử dụng rượu, bia ở liều lượng chừng mực, trên một số cá nhân có thể mang lại một số tác động tích cực.
Tuy nhiên, do rượu, bia đều chứa cồn là chất gây nghiện, được Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) xếp vào nhóm chất gây ung thư có tác động lên hầu hết cơ quan trong cơ thể, nên sử dụng rượu, bia có nguy cơ gây ra các tác động tiêu cực đối với sức khỏe.
Theo số liệu năm 2014 của Tổng cục Thống kê, mức tiêu thụ rượu, bia bình quân đầu người Việt Nam (trên 15 tuổi) là 4,4 lít. Còn theo số liệu ước tính năm 2016 của Tổ chức Y tế thế giới là 8,3 lít.
Theo ban soạn thảo, cả nước hiện có khoảng 100 cơ sở sản xuất bia quy mô công nghiệp, sản lượng bia năm 2016 là 3,8 tỷ lít, năm 2017 là hơn 4 tỷ lít. Đối với rượu, đến nay các cơ quan có thẩm quyền đã cấp được khoảng 167 giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, 599 giấy phép sản xuất rượu thủ công… Tổng sản lượng sản xuất rượu năm 2016 đạt khoảng 305,2 triệu lít.
Tại Việt Nam, thực trạng sử dụng rượu, bia đã ở mức báo động thể hiện qua 3 tiêu chí về mức tiêu thụ (nhất là ở nam giới), bao gồm cả số lượng tuyệt đối cũng như quy đổi về số lít cồn nguyên chất bình quân đầu người.
Theo Bộ Y tế, sử dụng rượu, bia có thể gây ra gánh nặng kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội do các phí tổn về chăm sóc sức khỏe, giảm hoặc mất năng suất lao động và giải quyết các hậu quả xã hội khác.
Tại Việt Nam, nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65 nghìn tỷ đồng. Riêng chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia của Việt Nam năm 2017 là gần 4 tỷ USD.
Theo cơ quan thẩm tra, hiện quy định về kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia đang còn hai loại ý kiến khác nhau. Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban cho rằng, việc quy định kiểm soát quảng cáo rượu, bia là cần thiết, nhằm làm giảm những tác động, ảnh hưởng của quảng cáo đến tiêu dùng rượu, bia, đặc biệt là giới trẻ, thực hiện “dự phòng” từ xa các tác hại của rượu bia.
Thường trực Ủy ban cho hay Điều 9 dự thảo Luật chỉ quy định 2 trường hợp không được sử dụng, rượu, bia là: cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thời gian làm việc, nghỉ giữa ca và không được uống tại địa điểm cấm bán rượu, bia, theo Zing.
Tuy nhiên, báo cáo đánh giá tác động lại có nêu thêm các trường hợp không bán rượu cho người có biểu hiện say; phụ nữ có thai; người đang điều khiển phương tiện giao thông. Vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung các đối tượng này đồng thời bổ sung giải pháp cụ thể để đảm bảo tính khả thi với mọi “người lao động”.
Bên cạnh đó, nếu như Luật Thương mại chỉ cấm quảng cáo rượu từ 30 độ cồn trở lên thì Luật Quảng cáo năm 2015 đã đưa rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên thuộc danh mục cấm quảng cáo. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, với cùng 1 lượng rượu hay bia cùng một độ cồn trên 15 độ khi vào cơ thể sẽ có tác hại như nhau.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, với cùng một lượng rượu hay bia cùng một độ cồn trên 15 độ khi vào cơ thể sẽ có tác hại như nhau. Do vậy, Thường trực Ủy ban nhất trí với quy định “cấm quảng cáo rượu, bia trên 15 độ cồn”.
Thanh Thanh (Tổng hợp)