Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. HCM đề xuất thành phố thẩm tra nguồn gốc, nguyên liệu thép sử dụng để sớm khởi động lại siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, sau hơn 5 tháng tạm ngưng.
Báo Dân Trí thông tin, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP. HCM vừa có văn bản báo cáo UBND TP về việc thay đổi tiêu chuẩn, mác thép chế tạo, lắp đặt cơ khí cửa van Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP. HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) trị giá gần 10.000 tỷ đồng.
Sở NN&PTNT cho rằng, việc thay đổi vật liệu thép trong quá trình thực hiện dự án đã giúp giảm kinh phí đầu tư cửa van gần 87 tỷ đồng. Sử dụng thép hợp kim chất lượng cao S355 (thép đen) thay cho thép không gỉ SUS304 đã được Sở phân tích, so sánh, đánh giá kỹ về cơ tính, tính kinh tế, độ bền, tính ăn mòn và khả năng chịu lực… Điều này được thể hiện rõ trong báo cáo gửi UBND TP trước đây.
Ngoài ra, trong hợp đồng BT cũng không quy định vật liệu thép phải có nguồn gốc xuất xứ là các nước tiên tiến thuộc nhóm G7 sản xuất.
Sở này cho rằng, việc thay đổi mác thép ở giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công là tối ưu hóa sản phẩm thiết kế, được tư vấn thẩm tra, đảm bảo về mặt kỹ thuật, kết cấu, tăng khả năng chịu lực, hiệu quả về kinh tế, phù hợp với các quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành đã được UBND thành phố phê duyệt trong dự án. Việc thay đổi này cũng được Bộ Xây dựng, UBND thành phố, Kiểm toán Nhà nước thống nhất.
Theo Báo Người Lao Động, Sở Nông nghiệp đưa đề xuất nếu UBND TP không yên tâm về chất lượng công trình thì có thể thuê một đơn vị tư vấn độc lập có năng lực và kinh nghiệm để thẩm tra nguồn gốc vật liệu thép và quá trình thiết kế, chế tạo, thi công.
Sở này sẽ chịu trách nhiệm lập dự toán chi phí thuê tư vấn để Sở Tài chính thẩm định trình UBND TP xem xét, phê duyệt. Kinh phí thực hiện có thể sẽ do nhà thầu (Công ty TNHH Trung Nam BT 1547) ứng trước, sau đó hoạch toán vào tổng vốn đầu tư của dự án.
Thế Tam (Tổng hợp)