Đại Kỷ Nguyên

Số phận éo le của phụ nữ Ấn được tái hiện qua 3 bộ phim truyền hình

Những bộ phim truyền hình như “Gulabi Gang”, “Tình yêu màu trắng”… phản ánh đậm nét cuộc sống truân chuyên của người phụ nữ Ấn Độ, khi họ chưa có tiếng nói riêng trong xã hội.

Gulabi Gang (năm 2012)

Là bộ phim tài liệu do Nishtha Jain viết kịch bản và Torstein Grude sản xuất. Phim ra mắt khán giả Ấn Độ vào tháng 2/2014 và ngay lập tức tạo được tiếng vang lớn.

Băng đảng Gulabi được thành lập bởi Sampat Pal Devi, một bà mẹ 5 con và một số nhân viên y tế của chính phủ, để đối phó với nạn bạo hành phụ nữ đang ngày một phổ biến trong nước. Các thành viên của Gulabi sẽ đến gặp những ông chồng ngược đãi vợ và dạy cho họ bài học đáng giá, buộc họ phải từ bỏ việc đánh đập vợ con.

Phim xây dựng hình ảnh người phụ nữ mạnh mẽ, dũng cảm đứng lên đấu tranh cho bản thân. (Ảnh: Thegioivanhoa)

Từ việc khai thác cuộc sống đời thường của người phụ nữ, phim là bức tranh chân thực về xã hội còn nhiều gia trưởng, cổ hủ, khi mà người phụ nữ phải chịu nhiều bất công, không có quyền lên tiếng, nhất là những người nghèo khó.

Gulabi Gang là bản tuyên ngôn về nhân quyền về phụ nữ, kêu gọi sự bình đẳng giới trong xã hội. Phim đã liên tiếp dành chiến thắng tại các LHP quốc tế tổ chức tại Na Uy, Dubai (năm 2012), Ba Lan, Nam Phi (năm 2013) và giành giải thưởng Biên tập xuất sắc nhấtPhim hay nhất về các vấn đề xã hội tại LHP trong nước (năm 2014).

Gulabi Gang gặt hái được nhiều giải thưởng danh giá. (Ảnh: Hay.tv)

Mango girls (2013)

Nhà sản xuất Robert Carr đã khai thác những vấn đề nhức nhối từ "vấn nạn" của hồi môn ở Ấn Độ – tiền bạc hoặc quà tặng trao cho chú rể và gia đình khi cưới. Nếu không hoàn thành, người phụ nữ có thể bị nhà chồng khinh bỉ và đối xử thậm tệ.

Bộ phim bắt đầu từ một ngôi làng nhỏ ở Bihar có tên là Dharhara, nơi những người dân đã tìm ra cách để đối phó với những hệ lụy từ của hồi môn. Họ có truyền thống trồng cây ăn quả quanh làng. Trong đó, mỗi khi một bé gái chào đời, gia đình đó sẽ trồng một cây xoài.

Mango girls do Kunal Sharma đạo diễn. (Ảnh: Thegioivanhoa)

Sau 5-7 năm, tiền bán trái cây thu hoạch được sẽ dành dụm để sau này giúp các cô gái trang trải cho đám cưới. Không chỉ giảm bớt gánh nặng cho các gia đình về tiền bạc khi con gái lấy chồng, cách này còn định hướng để tạo ra nền kinh tế bền vững và có lợi cho hệ sinh thái.

White is the color of my love (Tình yêu màu trắng)

Phim là chuyện tình nhiều sóng gió, chông gai nhưng cũng rất ngọt ngào của cặp "kim đồng ngọc nữ” màn ảnh Bollywood là Mishal Raheja và Eisha Singh.

Trong phim, Mishal Raheja vào vai Viplav – một chàng trai phóng khoáng, tự do và là cháu trai ham chơi của thị trưởng thành phố Banaras. Sau khi tốt nghiệp Đại học, Viplav được người nhà chuẩn bị hồ sơ để ra nước ngoài chuyên tu ngành luật.

Cặp đôi được yêu thích của Tình yêu màu trắng. (Ảnh: HTV)

Tuy nhiên, mọi kế hoạch được sắp xếp cho anh đột ngột đổi hướng vì sự xuất hiện của Dhaani (Eisha Singh) – một góa phụ trẻ tính cách mạnh mẽ nhưng sống khép kín trong khuôn khổ các nguyên tắc truyền thống. Hai tính cách, hai số phận trái ngược nhau đã tình cờ gặp gỡ và nảy sinh tình cảm. Họ đã cho nhau những bài học để tìm ra tình yêu và hạnh phúc đích thực…

Dàn diễn viên trẻ tài năng góp mặt trong phim. (Ảnh: Thegioivanhoa)

(Tổng hợp)

Exit mobile version