Đại Kỷ Nguyên

‘Sốt đất’ lan đến Côn Đảo: Giá bất động sản tăng chóng mặt từng ngày

Cùng với lượng khách du lịch tăng mạnh, thị trường bất động sản ở huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng đang vào giai đoạn “sốt” giá. Không ít người trúng đậm chỉ sau một thời gian ngắn mua đi bán lại đất trên đảo.  

Theo Sài Gòn giải phóng, những ngày gần đây, câu chuyện được người dân đảo truyền tai nhau nhiều nhất chính là giá đất đai. Nhiều người dân địa phương cho biết giới đầu tư đang lùng gom đất trên đảo khiến giá tăng vù vù, thay đổi chóng mặt từng ngày.

Anh Thuận, một người dân Hà Nội ra Côn Đảo lái taxi được 5 năm nay, cho biết cách đây 2 năm, anh mua một miếng đất có diện tích hơn 1.000 mét vuông nằm phía Tây đảo với giá 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện mảnh đất của anh đã có 8 tỷ đồng, tăng gấp 6,6 lần.

Ngoài ra, anh Thuận còn cho biết thêm, giám đốc công ty anh có miếng đất khoảng 600 mét vuông, hai mặt tiền đường Trần Phú và Phạm Hùng, mua chưa đầy 1 năm với giá 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, cách đây vài hôm đã có người trả tới 17 tỷ đồng.

Một khu đất ở Côn Đảo đang được phân lô bán nền với giá hàng tỷ đồng/lô. (Ảnh: Sài Gòn giải phóng)

Chị Ngọc, ở chợ Côn Đảo, cho hay đất ở quanh chợ hiện rất đắt đỏ. Đơn cử, một căn nhà cấp 4 có diện tích 150 mét vuông được nhà đầu tư ở Hà Nội trả tới 10 tỷ đồng mà chủ nhà vẫn chưa đồng ý bán.

Trong khi đó, đất quanh chợ có diện tích 120-150 mét vuông hiện có giá 8-10 tỷ đồng nhưng cũng không có để giao dịch.

Số liệu từ Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Côn Đảo cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2018, có gần 100 hồ sơ giao dịch, tăng khá mạnh so với năm 2017.

Người dân địa phương cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên là do lượng khách du lịch gần đây tăng mạnh, nhiều người tìm mua đất khu vực giáp biển, khu trung tâm để xây dựng nhà nghỉ, nhà hàng kinh doanh du lịch.

Giá nhà đất tăng cao nhưng quỹ đất của đảo khá hạn hẹp đã kích thích tình trạng mua bán, sang nhượng chui giữa người mua (hoặc “cò”) với người bán.

Thêm vào đó, tình trạng sốt đất ở Côn Đảo khiến nhiều người lao động vô cùng lo lắng bởi với đà tăng giá theo cấp số nhân này, họ không thể mua nổi 1 lô đất hay nhà để an cư lạc nghiệp trên đảo lâu dài.

Ngoài ra, giá đất tăng cao ngất ngưởng cũng kéo theo giá cả sinh hoạt trở nên đắt đỏ, khiến nhiều người dân cảm thấy cuộc sống khó khăn hơn.

Thời gian gần đây, tình trạng sốt đất xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước, từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội đến Khánh Hòa, Tp.HCM…

Chia sẻ trên Pháp luật Tp.HCM, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng có nhiều nguyên nhân gây sốt đất tại các địa phương. Trong đó, có những yếu tố bất hợp lý cũng tạo nên cơn sốt.

Cụ thể, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu lấy ví dụ có những địa phương rất ít tiềm năng phát triển kinh tế nhưng giá đất vẫn tăng cao “ăn theo” các vùng phụ cận. Đó là do giới đầu cơ, cò đất cố ý thổi giá, lợi dụng thông tin quy hoạch không rõ ràng để trục lợi chứ không phải do nhu cầu mua đất để ở thực tăng cao.

Đối với những địa phương có quy hoạch rõ ràng, có tiềm năng phát triển thì giới đầu cơ dùng chiêu mua đi bán lại nhiều lần để nâng giá đất vượt xa giá trị thực.

Thêm một nguyên nhân nữa là do tâm lý của giới đầu tư là theo “bầy đàn”, cứ thấy chỗ nào người ta đang đổ tiền mua đất thì cũng bắt chước mua theo với hy vọng sinh lời nhiều.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, cơn sốt đất đang lên đỉnh điểm và sẽ tiếp tục nóng trong vài tháng tới. Giá đất sẽ tiếp tục bị thổi cho đến khi số lượng người mua cạn (tức là khi người có nhu cầu ở thực dừng tìm mua đất vì giá quá cao, còn nhà đầu tư thứ cấp không đủ tài chính để ôm thêm đất nữa) mới dừng lại.

Khi việc thổi giá dừng lại thì giá đất sẽ lao dốc. Trong đó, những khu vực đang có giá trên trời, không đúng giá trị thực sẽ rớt thảm đầu tiên. Chuyên gia kinh tế dự báo thị trường bất động sản sẽ bắt đầu suy sụp vào cuối năm nay.

Nguyễn Trang

Exit mobile version