Sự vụ công chúng dùng tiền mệnh giá thấp để phản đối thu phí ở BOT Cai Lậy làm tôi nhớ đến một chị đồng hương tên là Hậu – “nhà sưu tầm” tiền lẻ nghiệp dư. Những đồng tiền lẻ đó cũng như sự bất bình tích dồn lâu ngày của những lái xe.
Chị Hậu không thuộc tuýp nhà sưu tầm mà mọi người thường thấy với phong cách đạo mạo, trang phục hoài cổ, chỉn chu khá giả… Chị bị khoèo một tay từ nhỏ, có một đứa con nuôi, làm nghề nhặt ve chai, đồng nát.
Hơn 20 năm trước, hai mẹ con chị sống trong một túp lều rách nát ngoài rìa xóm. Để nuôi con sống qua ngày, chị đi nhặt nhạnh mọi thứ đồng nát. Từ lon sữa, vỏ bia, thùng các tông… đến túi ni lông, bao xác rắn người ta vứt ra vệ đường, chị cũng mang về, phân loại, đem bán.
Khổ tận cam lai nhưng không quên ngày tháng cơ hàn
Thế rồi 20 năm cơ cực dài đằng đẵng cũng trôi qua, đến nay chị đã được mát mặt. Thằng Còi nhà chị vừa tốt nghiệp đại học danh giá, nhiều nơi muốn tuyển nó làm việc. Tháng đầu nó mang lương về nhà, hai mẹ con ôm nhau khóc. Toàn những tờ tiền 500 nghìn, lớn quá, cả đời chị không dám nghĩ tới.
Sau cái kết cổ tích, có hậu như tên của mình, chị nảy ý thích “lẩn thẩn” là chơi tiền lẻ. Đi thu mua phế liệu, chị cứ trả người tiền chẵn, thu về tiền lẻ. Tiền mệnh giá càng nhỏ, chị càng ưng ý.
Nhiều người ngạc nhiên, tôi cũng tò mò. Năm trước về quê, tôi ghé chơi, chị hớn hở khoe mấy chiếc hộp bánh quy chật ních loại tiền 100 và 200 đồng. “Mỗi tội là hơi ít tờ 100 đồng”, chị vẫn chưa hài lòng. Tôi cười bảo chị, hơn nửa đời đã chắt chiu tiền lẻ, nay còn tích tụ chúng làm gì cho khổ? Chị mỉm cười tinh quái, hạ giọng giải thích, rằng nghề đồng nát dạy chị bí quyết làm giàu, hễ những gì người ta vứt đi hết thì sẽ có ngày trở thành quý hiếm. Như cái đèn dầu vứt bụi tre giờ thành đồ cổ, cái bàn là gắn tem “con gà” chị nhặt nhạnh giờ bán được tiền triệu…
Chị kết luận, tiền cũng thế. Những tờ tiền mệnh giá 100 hay 200 đồng, bây giờ chẳng ai tiêu, nhưng biết đâu sau này sẽ quý hiếm, giá trị… Đến cuối câu chuyện, thấy tôi vẫn tỏ vẻ nghi ngờ, chị chép miệng nói xõng “rồi có lúc khối người phải lụy nó”.
Nhỏ mà có võ, anh hùng tí hon hạ gục gã khổng lồ
Ấy vậy mà giờ đây, quả là trạm thu phí BOT Cai Lậy đang phải lụy đồng tiền mệnh giá 100 đồng thật.
Chuyện đã được toàn dân biết đến – một cuộc đối đầu giữa chủ đầu tư BOT và người sử dụng đường bộ. Cánh tài xế đã rủ nhau trả tiền lẻ để “quây” trạm thu phí. Họ chiếm được ưu thế khi tấn công vào sơ hở của trạm thu phí BOT – không chuẩn bị những tờ 100 đồng để trả lại khách mua vé. Giữa đêm, trạm này phải “nín thở” chờ 1.500 tờ tiền 100 đồng chuyển từ Hà Nội vào bằng máy bay, rồi mới dám đóng barie trở lại.
Trong tình huống trớ trêu ấy, tờ tiền mệnh giá 100 đồng bỗng trở thành anh hùng tí hon hạ gục gã khổng lồ. BOT Cai Lậy thất thủ, xả trạm kéo dài, vấn đề được đặt lên bàn làm việc của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ…
Sau chuyện đó, trên nhiều trang mạng xã hội rầm rộ xuất hiện nhiều dòng tít phấn khích và ngây ngô, đại loại như “BOT đã làm sống lại tiền lẻ!”. Nhan nhản hình ảnh tờ tiền 100 đồng gắn với cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố… của những người trong cuộc. Người ta ca ngợi đồng tiền mệnh giá 100 đồng “thần thánh” mang lại chiến thắng cho cánh lái xe bị “trấn lột”…
Rồi họ cũng sẽ sớm hiểu ra rằng, chiến thắng của một nắm tiền 100 đồng chỉ là tạm thời. Khi những nhà lập chính sách đứng cùng phía với chủ đầu tư BOT, thế lực tư bản thân hữu này sẽ dư sức vô hiệu hóa giải pháp đấu tranh tự phát dựa vào những đồng tiền lẻ. Nhưng những đồng tiền lẻ ấy đã chuyển tải được một thông điệp cam chịu đầy bất bình, hàm chứa sức phản kháng tích tụ mạnh mẽ chống lại hoạt động đầu tư mờ ám, thu phí bất hợp lý của BOT Cai Lậy nói riêng và hàng loạt trạm thu phí BOT nói chung trên đất Việt.
Và “sự bất bình của những tờ tiền 100 đồng” còn hàm chứa những thông điệp khác…
Đó là, những giá trị vật chất của nước Việt đã, đang và sẽ được đo đếm, đóng góp, xây dựng bằng từng đồng, từng đồng tiền như vậy, với điều kiện tiên quyết là phải minh bạch và công bằng. Chỉ mờ ám bớt đi 1 đồng cũng khiến bất kỳ giá trị xác định nào, dù lớn đến đâu, đều trở thành không đủ.
Hơn nữa, sự bất bình dồn nén trong một tờ tiền 100 đồng thì dễ bị làm ngơ, nhưng nhiều tờ tiền 100 đồng như vậy sẽ hội tụ thành nỗi bất bình đáng lưu tâm và rất rất nhiều tờ tiền 100 đồng loại này hợp lại thì có thể tạo nên sự giận dữ khuynh đảo thế gian.
Ngẫm lại mới thấy câu nói xõng của chị Hậu có lý, cứ tích tụ các giá trị nhỏ theo thời gian, đến một giới hạn nào đó, có thể hình thành sức mạnh không tiền khoáng hậu…
Thanh Tùng