Đại Kỷ Nguyên

Sự ‘thỏa hiệp’ của thương mại điện tử và truyền thống

Các doanh nghiệp đang kết hợp giữa thương mại điện tử và thương mại truyền thống để tăng doanh số

Có thời gian, người ta không ngừng nhắc đến thương mại điện tử như một tất yếu thay thế cho loại hình kinh doanh truyền thống. Tuy nhiên, nhận định này đến nay liệu có còn chính xác?

Đã có không ít các chuyên gia từng nhận định rằng các cửa hàng, trung tâm thương mại truyền thống đang bị bóp chết bởi thương mại điện tử. Và quả thật, có những khoảng thời gian, thương mại điện tử được nói đến ở khắp mọi nơi, mọi lĩnh vực. Phương thức kinh doanh này cũng là sự lựa chọn của nhiều người khởi nghiệp khi không đủ vốn để mở các cửa hàng truyền thống.

Tuy nhiên, trên thực tế, xu hướng thương mại điện tử không phải là độc tôn. Ngày nay, thay vì chỉ mở các cửa hàng trực tuyến, người ta bắt đầu có xu hướng mở song song cả 2 loại hình kinh doanh này.

Lấy Warby Parker là một ví dụ. Vào năm 2013, Warby Parker là một trong những starup đình đám trong mảng thương mại điện tử khi kinh doanh các mặt hàng kính. Tuy nhiên, ngay sau đó, những người sáng lập của hãng đã có một ý tưởng, trở lại cách bán hàng truyền thống bằng việc xây dựng hệ thống các cửa hàng truyền thống.

Nhờ ý tưởng này mà doanh thu của Warby Parker tăng lên rõ rệt. Hơn một nửa doanh thu của công ty đến từ các cửa hàng truyền thống.

Thành công của Warby Parker đã mở ra một xu thế mới cho thương mại điện tử và những câu chuyện như Warby ngày càng trở nên phổ biến. Dẫn đầu xu hướng này là Amazon, công ty mua sắm trực tuyến khổng lồ đã chi 14 tỷ USD để mua Whole Foods và gần 500 địa điểm cửa hàng truyền thống.

Vào dịp đại lễ mua sắm “Ngày độc thân” (11/11) vừa qua, Alibaba cũng tung ra chiến lược đẩy mạnh kế hoạch “bán lẻ mới” nhằm khôi phục lại tình hình kinh doanh của các cửa hàng truyền thống. Theo kế hoạch đặt ra, Alibaba đã trang bị cho các trung tâm thương mại và cửa hàng truyền thống những công nghệ mới để quản lý khoảng không quảng cáo và trở thành trung tâm phân phối cho người mua sắm trực tuyến.

Không chỉ các hệ thống thương mại điện tử ở nước ngoài bắt đầu bật chế độ “ngoại tuyến”, nhiều các doanh nghiệp Việt Nam cũng có những bước đi tương tự khi chạy song song cả những website thương mại điện tử vừa có thêm những cửa hàng truyền thống để khách hàng lựa chọn.

Theo nhận định của các nhà phân tích tại Citi Research, “tính từ thời điển hiện tại, 5 năm nữa thôi chúng ta sẽ không tranh cãi liệu thương mại điện tử có đang chiếm thị phần từ các nhà bán lẻ truyền thống không nữa bởi vì lúc đó, tất cả đều giống nhau”.

Thu Nguyễn (tổng hợp)

Exit mobile version