Đại Kỷ Nguyên

Bộ Tài chính giải trình việc tăng kịch khung thuế môi trường lên xăng dầu

Tăng thuế môi trường xăng dầu nhằm cơ cấu lại nguồn thu ngân sách

Tăng thuế môi trường xăng dầu nhằm cơ cấu lại nguồn thu ngân sách

Theo lý giải của Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), việc tăng thuế môi trường xăng dầu kịch khung là nhằm cơ cấu lại nguồn thu ngân sách.

Những ngày vừa qua, thông tin về đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu của Bộ Tài chính khiến dư luận xôn xao. Nhiều chuyên gia khuyến cáo việc tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều người lo lắng và tỏ ra không đồng tình vì việc tăng thuế sẽ kéo theo việc giá xăng, dầu cũng tăng theo.

Trả lời báo chí, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, đề xuất tăng thuế nói trên nhằm thực hiện chủ trương của Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết của Bộ Chính trị về giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo an toàn nợ công, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn bền vững, trong đó có giải pháp là cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, theo Dân trí.

Bên cạnh đó, ông Thi cho biết đề xuất này còn xuất phát từ thực tế hiện nay là Việt Nam đã hội nhập sâu với thế giới, đã tham gia 11 hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo lộ trình thực hiện các FTA, thuế nhập khẩu giảm rất nhanh. Do đó, tăng thuế là nguồn để bù đắp lại nguồn thu ngân sách.

Tuy nhiên, xét trên giác độ bảo vệ môi trường, có thể thấy xăng dầu cũng như túi nylon, HCFC là những mặt hàng khi sử dụng gây tác động rất xấu đến môi trường. Bản thân các mặt hàng này, không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới, đều quy định riêng sắc thuế, để khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Mặt khác, leo lý giải của đại diện Bộ Tài chính, so với thế giới, giá bán lẻ của Việt Nam thấp hơn 122 nước. Ông Thi cho biết, theo tính toán của Bộ Tài chính, toàn bộ các mặt hàng dự kiến tăng thuế sẽ làm số thu tăng khoảng gần 15,6 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng xăng là gần 8 nghìn tỷ đồng. Theo Luật Ngân sách nhà nước, tất cả nguồn thu từ thuế đều tập trung vào ngân sách. Trên cơ sở đó phân bổ chi cho các nhiệm vụ theo dự toán Quốc hội quyết định, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ môi trường, theo Zing.

Diệu Thu

Exit mobile version