Ngày 1/1, Bộ trưởng kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos cho biết cuộc khủng hoảng đòi độc lập của vùng Catalonia đã khiến quốc gia này thiệt hại ít nhất 1 tỷ euro (khoảng 1,2 tỷ USD).
Phát biểu trên Đài phát thanh Tây Ban Nha, ông Luis de Guindos cho biết sự suy giảm tốc độ tăng trưởng của vùng Catalonia, nơi đóng góp tới 1/5 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Tây Ban Nha.
Ông Luis de Guindos nhấn mạnh, vùng Catalonia luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn trung bình của cả nước, và là đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế Tây Ban Nha. Tuy nhiên, trong quý IV vừa qua, vùng Catalonia đã trở thành “một gánh nặng kinh tế” khi cuộc khủng hoảng đòi độc lập trái phép đã khiến khu vực này thiệt hại khoảng 1 tỷ euro (1,2 tỷ USD).
Theo ước tính, hơn 3.100 doanh nghiệp đã rời trụ sở khỏi Catalonia, trong đó có rất nhiều ngân hàng lớn và các hãng bán lẻ. Ông Luis de Guindos cho rằng chính quyền cũ tại vùng Catalonia đã gây ra sự bất ổn và làm mất lòng tin của giới doanh nghiệp. Cuộc khủng hoảng chính trị tại Tây Ban Nha bùng phát kể từ khi chính quyền vùng Catalonia tiến hành cuộc trưng cầu ý dân trái phép đòi độc lập hôm 1/10 vừa qua.
Chính phủ trung ương của Thủ tướng Mariano Rajoy đã đình chỉ quy chế tự trị của vùng này, giải tán cơ quan lập pháp và chính quyền vùng, đồng thời tổ chức cuộc bầu cử địa phương mới vào ngày 21/12 vừa qua. Liên minh 3 đảng ủng hộ ly khai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử mang tính lịch sử hôm này.
Trong tuyên bố đưa ra 22/12, Cựu Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont cho biết ông muốn gặp Thủ tướng Tây Ban Nha Rajoy ở bất cứ quốc gia nào thuộc EU để đàm phán về tình trạng Catalonia hậu bầu cử.
Tuy nhiên, Thủ tướng Tây Ban Nha khẳng định, đối thoại là cách giải quyết tốt nhất cho Catalonia nhưng ông không ra nước ngoài để đàm phán về việc vùng đòi tách ra khỏi đất nước. Ông nhấn mạnh chỉ đàm phán sau khi Catalonia tự giải quyết xong việc thành lập liên minh cầm quyền ở khu vực tự trị này.
An Yên