Chính quyền Bangkok chuyển hướng tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng ở các thị trấn biên giới gần đặc khu kinh tế thay vì mở rộng các đặc khu.
Theo Nikkei, chính phủ Thái Lan đang điều chỉnh lại chiến lược xây dựng đặc khu kinh tế, cùng với việc thúc đẩy liên kết với các quốc gia láng giềng nhằm cải thiện khả năng tiếp cận trong khu vực và đảm bảo miễn thuế hàng xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU).
Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak gần đây cho biết chính phủ của nước này đang soạn thảo kế hoạch phát triển một số khu vực biên giới với mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu và cung cấp việc làm để thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giữa đô thị và nông thôn.
“Thái Lan đóng vai trò trung tâm của khu vực Đông Nam Á, do vậy chúng ta nên cố gắng tối ưu hóa những cơ hội này”, ông Somkid nói.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2014, chính phủ quân đội Thái Lan đã lên kế hoạch tạo ra các dự án đặc khu kinh tế (SEZ) với ý tưởng xây dựng các khu công nghiệp tại các tỉnh biên giới còn kém phát triển. Tuy nhiên, tham vọng này ngay lập tức gây nên tình trạng đầu cơ, sốt đất, khiến chi phí xây dựng vượt xa mức dự tính ban đầu.
Các đặc khu kinh tế ở khu vực biên giới của nước này cũng không thể cạnh tranh được với các đặc khu của các nước láng giềng dọc khu vực sông Mê Kông. Hàng hóa từ các nước đang phát triển như Myanmar, Campuchia, Lào và Việt Nam có thể được miễn thuế nhập khẩu sang EU.
Trong khi đó, Thái Lan với vị thế một nền kinh tế phát triển hơn phải đối diện với mức thuế gần 30% đối với đa số các mặt hàng xuất khẩu vào EU. Thậm chí, một số mặt hàng nhạy cảm phải chịu thuế lên đến 100%.
“Yếu tố này đã khiến chúng ta phải suy tính lại về các dự án SEZ. Về thực tế, chúng ta nên học hỏi, cùng làm việc và phát triển với các nước bạn thay vì cạnh tranh với họ”, Phó Thủ tướng Somkid cho biết.
Chính phủ Thái Lan đã lên kế hoạch tổ chức các cuộc họp cấp cao với Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam để thảo luận về cách cùng nhau xây dựng các đặc khu kinh tế ở khu vực biên giới.
Xứ sở chùa vàng muốn chú trọng nhiều hơn vào việc xây dựng các liên kết đường sắt, cải thiện giao thông và logistic gần các khu vực biên giới để tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư tại các khu vực lân cận. Đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan vào hàng hóa xuất khẩu từ các nước láng giềng cũng tránh được hàng rào thuế quan của EU.
Ông Orbsak Pootrakool, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Thái Lan cho biết nước này sẽ tập trung vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ logistic tại tỉnh Mukdahan. Khu vực này nằm sát biên giới với Lào, gần đặc khu kinh tế Savan Seno của nước láng giềng.
“Cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ logistic sẽ giúp các nhà đầu tư Thái Lan quan tâm đến các dự án của Lào và hàng xuất khẩu từ nước bạn, giúp tận dụng lợi thế thuế nhập khẩu 0% vào thị trường EU”, ông Korbsak cho biết.
Chính phủ Thái Lan cũng dự tính đầu tư vào các cơ sở phục vụ thương mại và logistic ở những tỉnh biên giới phía tây và phía bắc, gần 2 thành phố Dawei và Myawaddy của Myanmar. Cả hai thành phố này đều có những dự án đặc khu kinh tế.
Với chương trình này, Thái Lan hy vọng thương mại với Myanmar sẽ tăng gấp đôi từ nay đến năm 2026, đạt 12 tỷ USD.
Kiều Ngọc