Xoay quanh câu chuyện về tình cảm gia đình, truyện ngắn “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng đã mang đến cho độc giả rất nhiều cung bậc cảm xúc.
Dòng cảm xúc trên trang viết
Trong tập truyện ngắn của Lương Đình Dũng, những phận người bé nhỏ, nghèo khổ, dường như sống bên rìa xã hội đã được khắc họa tinh tế, chân thật và đầy ám ảnh.
Đó là cuộc sống đơn sơ, bình dị mà tràn đầy yêu thương của cha con Cá ở quê nhà. Những tưởng thời gian sẽ êm đềm trôi qua, đột ngột người con bị mắc bệnh máu trắng và không thể nào sống nổi. Khi đó, người cha đã tìm mọi cách để thực hiện ước nguyện của con – được đặt chân đến vùng thành thị sầm uất…
Đó còn là câu chuyện về người con gái tên Xuân bị lừa bán đi 10 năm trời, chịu bao tủi nhục, tuổi xuân đã mất ,nguyện ước được sống cũng lụi tàn… cho đến khi người em trai trưởng thành, tìm ra tung tích rồi đưa cô trở về nhà…
Đó còn là số phận của một cô gái quê bị lừa gạt bởi một chàng Sở Khanh phố thị (Con gái, mặt trời vẫn mọc ở phía đông kìa…); một tội phạm trẻ tuổi lầm lạc (Tiếng hát cô dọn phòng); một người bán củi nghèo khổ chạy từng bữa ăn (Người bán củi dở hơi); một người ăn mày chết đói (Khoảnh khắc)… Tất cả những mạnh ghép đó đã tạo nên bức tranh nhiều màu sắc, lôi cuốn và hấp dẫn độc giả trên từng trang sách.
“Cõng” phim đi khắp thế gian
Truyện Cha cõng con đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên và gây được nhiều chú ý. Khác với nhiều bộ phim, Cha cõng con chưa ra được rạp trong nước nhưng đạo diễn đã “cõng” đi tham dự gần 10 liên hoan phim (LHP) quốc tế lớn nhỏ và mang về không ít giải thưởng, điển hình như Phim hay nhất châu Á (Best Asian Film) tại Liên hoan phim Quốc tế Iran lần thứ 36. Giám đốc LHP Quốc tế Iran 2018 Reza Mirkarimi nói với đạo diễn Lương Đình Dũng: “Làm ơn hãy làm thật nhiều phim, vì phim của bạn mang đến điều tốt đẹp”.
Cha cõng con cũng là tác phẩm đại diện cho điện ảnh Việt Nam trên đường đua hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài của Oscar 2018. Cha cõng con được đánh giá là trong trẻo và lương thiện, ở đó họ nhìn thấy vẻ đẹp con người Việt Nam hiện lên một cách hồn hậu và chân thực.
Nguyễn Hiệp