Đại Kỷ Nguyên

Thanh Hóa: Nửa tháng mất ăn mất ngủ của người dân Trung Sơn vì đập thủy điện sạt trượt

Điểm sạt lở nằm ở hạ lưu nhà máy, rộng khoảng 100 m, cao khoảng 200 m, cách thân đập 20 m. (Ảnh: Dân Trí)

Do mưa lũ và áp lực nước từ thượng nguồn sông Mã, mái đào hạ lưu đập thủy điện Trung Sơn (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) xuất hiện vết sạt trượt lớn. 

Vào khoảng 8h ngày 31/8, mưa to và lũ lớn khiến khu vực vai phải mái đào hố xói đập tràn của thủy điện Trung Sơn bị sạt trượt. Vết sạt có xu hướng phát triển lên trên đỉnh mái đào.

Nguyên nhân gây sạt trượt là ảnh hưởng từ cơn bão số 4 và áp thấp nhiệt đới, khu vực thủy điện Trung Sơn mưa liên tục với cường độ lớn. Lũ lớn từ thượng nguồn sông Mã đổ về khiến nhà máy phải vận hành xả tràn, dẫn đến bị sạt trượt lớp đất đá, theo Dân Trí.

Sạt trượt mái đào hạ lưu đập thủy điện Trung Sơn. (Video: Dân Trí)

Một người dân ở xã Trung Sơn chia sẻ với Báo Kinh tế Nông thôn: “Mùa mưa lũ năm nay, gia đình tôi và hàng trăm hộ khác mất ăn mất ngủ, lúc nào cũng lo lắng vì nhà máy thủy điện. Hết thông tin cả một quả đồi ở bản Co Me bị nứt, chạy dài cả trăm mét, rồi lượng rác mắc vào cửa xả quá lớn nên cửa không xả được, có nguy cơ vỡ đập. Giờ đây, nhìn điểm sạt lở ngay sát thân đập, chúng tôi rất lo lắng”.

Vết sạt có xu hướng phát triển lên trên đỉnh mái đào. (Ảnh: Dân Trí)

Kết quả quan trắc công trình cho thấy, các số liệu vẫn bình thường và nằm trong giới hạn cho phép, lưu lượng thấm qua đập bê-tông ít.

Theo các chuyên gia, đập thủy điện Trung Sơn là đập bê tông trọng lực, đặt trên nền đá gốc cứng chắc, vết sạt trượt không đáng ngại. (Ảnh: Dân Trí)

Theo đại diện Công ty TNHH MTV thủy điện Trung Sơn, để vết sạt không phát triển thêm và đảm bảo giao thông vai đập, giải pháp ban đầu là neo gia cố phạm vi từ vết sạt đến chân đập; đào, giảm tải một phần mái đào trên cao. Sau đó, sẽ rà soát và xử lý phù hợp cho toàn bộ khu vực hạ lưu vai phải, vai trái. Hiện vết sạt trượt ở lớp ngoài, không ảnh hưởng đến an toàn của đập.

Minh Tú (Tổng hợp)

Exit mobile version