Liên quan đến quyết định cho phép thanh toán bằng Nhân dân tệ tại biên giới Việt – Trung, bên cạnh những quan điểm ủng hộ vẫn có những ý kiến bày tỏ lo ngại nền sản xuất Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng xấu, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ – Trung căng thẳng thương mại.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 19 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Theo đó, từ ngày 12/10, thương nhân và cư dân biên giới Việt Nam – Trung Quốc có hoạt động thương mại biên giới giữa 2 nước có thể dùng ngoại tệ tự do chuyển đổi tiền đồng Việt Nam (VND) hoặc Nhân dân tệ (NDT) trong thanh toán hàng hóa, dịch vụ.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng vấn đề thanh toán là việc làm thường xuyên diễn ra tại các biên giới các quốc gia và thông thường ở nhiều quốc gia khác đều cho phép thanh toán bằng các đồng tiền có giao thương.
Tại Việt Nam, năm 2004, NHNN đã có quyết định 689 đã cho phép cư dân biên giới và thương nhân thanh toán bằng NDT và VND. Tuy nhiên, việc mua bán và mở tài khoản bằng đồng NDT tương đối hạn chế và chỉ được thanh toán qua các tài khoản hoặc nếu có nguồn thu bằng đồng NDT thì cuối ngày nguồn tiền này phải quy đổi sang VND tại các ngân hàng thương mại được cấp phép mở tại vùng biên giới.
Theo đại diện NHNN, việc ban hành Thông tư 19 góp phần hoàn thiện chính sách thanh toán biên mậu, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước Việt – Trung ngày càng phát triển.
Dưới góc độ của một chuyên gia kinh tế, PGS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá Thông tư 19 có quy định rộng hơn so với quy định trong năm 2004 và có tính pháp luật cao hơn, từ đó giúp hoạt động giao thương thương mại của thương nhân và cư dân vùng biên giới Việt – Trung sẽ dễ dàng và minh bạch hơn.
Còn chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Thông tư 19 sẽ tạo điều kiện giao thương giữa 2 nước, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, ông Long bày tỏ lo ngại việc mở rộng đồng tiền thanh toán tại biên giới Việt – Trung có thể dẫn tới hệ lụy đối với nền sản xuất trong nước do tiềm lực kinh tế của Việt Nam còn yếu.
Chia sẻ trên Dân Việt, ông Long cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang căng thẳng sẽ khiến nguồn hàng từ Trung Quốc không xuất khẩu được vào Mỹ sẽ đổ bộ vào Việt Nam. Với lợi thế giá rẻ, giao thương dễ dàng, năng lực cạnh tranh cao, hàng hóa Trung Quốc dễ dàng đẩy hàng Việt Nam vào cảnh bất lợi, từ đó kéo theo sự suy giảm của nền sản xuất trong nước.
TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Viện trưởng Viện NCKH Ngân hàng (Học viện Ngân hàng), cũng cho rằng từ trước đến nay có không ít hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam để "mượn" xuất xứ xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Với những điều kiện như hiện nay, giữa lúc chiến tranh thương mại leo thang, tình trạng này càng có nguy cơ bùng nổ.
Do đó, bà viện trưởng khuyến cáo bài toán hiện nay của Việt Nam chính là làm thế nào cho nền sản xuất trong nước vững mạnh.
Đánh giá tác động của Thông tư 19 tới điều hành chính sách tiền tệ, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, về nguyên tắc quản lý tiền tệ, trên một quốc gia chỉ có một đồng tiền là đồng nội tệ của chính quốc gia đó. Thế nhưng, trên thực tế hoạt động trao đổi hàng hóa giữa 2 nước tại vùng biên giới rất lớn. Nếu không cho phép dùng đồng NDT để thanh toán thì vẫn có hiện tượng “ngấm ngầm” trao đổi.
Tuy nhiên, chuyên gia Long khuyến cáo cần phải có những giới hạn cụ thể và chặt chẽ để động thái mở rộng đồng tiền thanh toán tại biên mậu không lan tỏa đến tất cả các vùng khác, nếu không sẽ ảnh hưởng đến chính sách ngoại hối của Việt Nam, dẫn đến tình trạng nhân dân tệ hóa nền kinh tế.
Ngược lại, TS. Phạm Thị Hoàng Anh lại cho rằng quyết định này sẽ khó dẫn tới tình trạng liên quan đến nhân dân tệ hóa. Theo vị chuyên gia này, việc NHNN chấp nhận đồng NDT cũng đồng nghĩa với việc quản lý ngoại tệ tại vùng biên mậu chặt chẽ hơn. Khi đó, các hoạt động liên quan đến NDT sẽ được chuyển đổi, mua bán trực tiếp tại các ngân hàng thương mại thay vì tìm đến thị trường phi chính thức như thời gian trước.
Bên cạnh đó, chỉ cần áp dụng những chính sách chống nhân dân tệ hóa như lãi suất huy động NDT bằng 0% hoặc hạn chế bằng những chính sách giống như đối với đồng USD thì không có gì đáng lo ngại cho chính sách ngoại hối.
Tổng Hợp