Trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội thời gian gần đây, đá tự nhiên vừa lát vỉa hè đã vỡ vụn, bật tung; trong khi theo các chuyên gia kiểm định vật liệu xây dựng, tuổi thọ công trình này hoàn toàn có thể đạt tới 70 năm.
Ngày 28/11, Chủ tịch TP. Hà Nội ra quyết định yêu cầu thanh tra, kiểm tra, làm rõ trách nhiệm, giải quyết nghiêm túc việc lát vỉa hè bằng đá tự nhiên không bảo đảm chất lượng như theo phản ánh của báo chí, Dân Trí đưa tin.
Theo đó, các quận chỉ lát lại đá tự nhiên đối với những nơi vỉa hè đã hỏng, trồng cây xanh và hạ cáp ngầm. Bởi nhiều tuyến phố được đào lên để lát vỉa hè trong khi thi công hạ ngầm còn đang ngổn ngang do chậm tiến độ.
Trước đó, báo chí phản ánh việc lát, bó vỉa bằng vật liệu tự nhiên trên các tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn, Bà Triệu,… ở Hà Nội được “quảng cáo” tuổi thọ lên tới 50-70 năm nhưng xuống cấp chỉ sau vài tháng đưa vào sử dụng.
Hiện, trên đường Lê Trọng Tấn, mặt đá mới đưa vào sử dụng đã bị bong tróc, có khoảng 10 điểm vỡ nát. Đường Nguyễn Trãi cũng trong tình trạng tương tự, những viên đá lát vỡ nằm trên đường vào các ngõ, xóm và quanh gốc cây…
Đại diện quận Thanh Xuân cho biết, những viên đá tự nhiên lát vỉa hè có độ giòn cao, trong khi đó, nhiều phương tiện đi lên vỉa hè khiến cho đá bị nứt trên đường Nguyễn Trãi. Thậm chí, một số người dân ở khu vực này tự ý đục vỉa hè làm lối đi và đỗ ô tô tràn lan cũng gây ra hiện tượng nứt đá.
Ngày 21/11, ông Trần Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, dưới lớp đá lát tự nhiên là lớp bê tông liên quan tới trạm điện, gốc cây trên vỉa hè, làm ảnh hưởng tới chất lượng lớp đá bên trên. Đá vỉa hè có độ bền cao hay không phụ thuộc vào lớp bê tông này.
Chuyên gia kiểm định vật liệu xây dựng cho biết, tuổi thọ công trình hoàn toàn có thể đạt tới 70 năm nếu quy trình thi công đúng tiêu chuẩn. Có 2 nguyên nhân dẫn đến đá tự nhiên vừa lát đã vỡ, bong tróc chỉ sau 1 năm đưa vào sử dụng:
- Thứ nhất, Quy trình thi công là yếu tố quan trọng quyết định độ bền đá khi lát vỉa hè. Nền lát đá không bằng phẳng, không được đè chặt theo thời gian sẽ bị lún, xói mòn, nước chảy qua các khe sẽ kéo cát và các vật liệu khác trôi mất, để lại độ rỗng. Khi các phương tiện, người đi bộ qua lại gây bập bênh, vật liệu đá sẽ không còn chịu lực nén, mà sẽ chịu lực uốn, dẫn đến tuổi thọ giảm đi rất nhiều.
- Thứ hai là độ bền cơ học của viên đá. Do là đá tự nhiên nên sẽ không có độ đồng nhất cao, dễ có những vết nứt và bị phá hủy khi chịu lực, đây chính điểm yếu của vật liệu này.
Theo chủ trương của TP. Hà Nội, từ cuối năm 2016 sắp xếp lại vỉa hè, lòng đường, tạo cảnh quan thống nhất để xây dựng văn minh đô thị. Nhiều quận nội thành cải tạo vỉa hè bằng đá tự nhiên, có kết cấu bền vững đảm bảo sử dụng 50-70 năm. Trong đó, Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) là tuyến phố đầu tiên áp dụng nhưng vừa đưa vào sử dụng thời gian ngắn, đá vỉa hè đã bong tróc, vỡ nát.
Tiếp theo, hàng loạt phố như Nguyễn Trãi, Trung Kính, Nguyễn Du, Quang Trung, Bà Triệu… cũng được đào lên lát vỉa hè bằng đá tự nhiên thay thế vật liệu gạch trước đây. Nhưng ở nhiều tuyến phố, vỉa hè gạch cũ vẫn còn tốt lại bị cậy lên để lát đá tự nhiên do hiểu sai ý kiến chỉ đạo của TP.
Thanh Tùng