Đại Kỷ Nguyên

Thầy giáo cắt tóc, cô đi xin cơm – chuyện không tên cảm động nơi vùng cao xứ Quảng

Muốn cắt 3 phân hay tông-đơ, thầy Sứ đều vui vẻ thuận theo yêu cầu của lũ trẻ. (Ảnh: Dân Trí)

Nhiều năm qua, cắt tóc, tắm giặt cho học trò, vận động xây trường, xin tiền mua thịt cá… là những công việc không tên mà thầy cô giáo ở các huyện vùng cao tỉnh Quảng Nam thường làm để học sinh có thể yên tâm đến trường. 

Cuộc sống của bà con dân tộc ở các huyện vùng cao tỉnh Quảng Nam đa phần thiếu thốn nên sự quan tâm đến chuyện học hành của con cái thường không đầy đủ, chỉ dừng lại ở việc “đưa con đến trường”. Trước hoàn cảnh đó, nhiều thầy cô vừa làm nhiệm vụ gieo chữ vừa đảm nhận vai trò của người cha, người mẹ của các em.

Theo ANTV, với học sinh vùng dân tộc thiểu số, tình trạng không có đủ sách vở, bút mực hay quần áo mới trong ngày đầu năm học là điều bình thường, nói gì đến chuyện cắt tóc gọn gàng.

Thấy học sinh nam hay để tóc dài, thời tiết lại nắng nóng gây mất vệ sinh, thầy Hồ Văn Sứ – giáo viên xã Phước Lộc đã mua tông-đơ rồi vận động từng em đến cắt tóc. Thế là thầy Sứ có thêm nghề tay trái lúc nào không hay. Hai năm qua, đã có hàng trăm lượt học sinh được thầy cắt tóc.

Thầy Sứ rất chăm chú khi cắt tóc cho các em. (Ảnh: Dân Trí)

Không chỉ cắt tóc, thầy cô còn may quần áo mới, chuẩn bị nơi ăn trốn ở cho học sinh đồng bào dân tộc. Ở xã Trà Nam (huyện Nam Trà My) chuyện thầy cô giáo đi vận động để xây trường học, tổ chức bữa cơm có thịt cho học sinh dân tộc thiểu số không còn quá xa lạ với người dân nơi đây.

Đơn cử, điểm trường Long Riêu xây dựng khoảng 345 triệu đồng, trong đó 300 triệu là do hiệu trưởng và các giáo viên vận động các Mạnh Yhường quân đóng góp, số còn lại là ngân sách của huyện Nam Trà My. Hay ở điểm trường Mô Rỗi, học sinh được nhà nước trợ cấp tiền ăn 6.000 đồng/ngày nhưng để có bữa ăn đầy đủ cơm, rau, thịt là cả một vấn đề. Do đó, các cô phải kêu gọi hỗ trợ của các nhà hảo tâm.

Bữa sáng của các học sinh bán trú là cháo thịt. (Ảnh Dân Trí)

“Nhà nước chỉ cấp tiền cho học sinh bán trú, nhưng ở chỗ tôi không phải học sinh nào cũng được hưởng trợ cấp theo quy định nên các cô phải xin tiền để nấu ăn” – cô Trà Thị Thu, phụ trách điểm trường Mô Rỗi chia sẻ.

Bữa cơm đầy đủ rau thịt của học sinh trường Mỗ Rỗi (Ảnh: Dân Trí)

Quảng Nam có 6 huyện miền núi với 100% dân số là đồng bào Bhnong, Cơtu, Xêđăng, Cadong nên cuộc sống còn rất nhiều khó khăn… Vì vậy, thầy cô giáo đã và đang công tác ở đây này vừa làm nhiệm vụ gieo con chữ, vừa đảm đương vai trò của người cha, người mẹ.

Hình ảnh thầy Sứ, cô Thu chăm chút sinh hoạt cho học sinh ở Quảng Nam khiến nhiều người nhớ tới các thầy cô giáo ở trường Tiểu học Phúc Sơn (Yên Bái) sau giờ lên lớp vẫn tranh thủ cắt tóc, gội đầu cho học trò.

Như những người thợ thực thụ, các thầy giáo khéo léo cắt gọn tóc cho học trò…
…sau đó, các em được cô giáo múc từng gáo nước, nhẹ nhàng gội đầu sạch sẽ.

Cô Trần Thanh Mai – giáo viên trường Tiểu học Phúc Sơn chia sẻ với Zing, đa số học sinh đều rất nghèo, đi lại vất vả. Nhiều em ở sâu trong bản, hàng ngày phải men theo đường đồi, bờ ruộng đi bộ 7-8 km đến trường.

“Do cha mẹ đi làm ăn xa, thiếu bàn tay chăm sóc, việc vệ sinh cá nhân hàng ngày của các em còn nhiều hạn chế. Vì thế, cứ mỗi tiết trống hay nghỉ trưa, chúng tôi lại tranh thủ cắt tóc, gội đầu cho học trò”, cô Mai tâm sự.

Có thể nói, nụ cười ngây thơ, hồn nhiên của các em khi đến trường, có quần áo ấm, đầu tóc sạch sẽ là niềm vui của những giáo viên nơi vùng cao. Mọi hành động đều xuất phát từ tình yêu thương, tấm lòng của người làm cha, mẹ. Các thầy cô đều tự nguyện làm mà không cần được khen hay báo đáp. Và cứ thế, một năm học nữa lại bắt đầu từ những công việc không tên của thầy cô cắm bản vùng cao.

Bảo Hà (Tổng hợp)

Exit mobile version