Ngày 28/12, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với một số đối tượng nguyên là lãnh đạo cấp thấp trong vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (Đông Á Bank).
Cụ thể, theo tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, căn cứ tài liệu chứng cứ đã thu thập được, cơ quan này đã ra quyết định khởi tố đối với 5 đối tượng nguyên là lãnh đạo một số phòng ban của Đông Á Bank.
Trong đó, đối tượng Nguyễn Thị Kim Loan (Giám đốc Khối kinh doanh nguồn vốn Đông Á Bank), Nguyễn Thị Ái Lan (Giám đốc Phòng Quản lý tài sản nợ và có thuộc Khối kinh doanh nguồn vốn Đông Á Bank) và Nguyễn Huỳnh Đăng (nguyên Trưởng phòng Kinh doanh Hội sở Đông Á Bank) bị khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội danh “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 Bộ luật Hình sự, Dân Trí đưa tin.
Cũng với tội danh trên, 2 đối tượng Nguyễn Hồ Bảo Quốc (Giám đốc Đông Á Bank Chi nhánh Đinh Tiên Hoàng) và Võ Hoàng Đông (nguyên Thủ quỹ Đông Á Bank Chi nhánh Đinh Tiên Hoàng) bị khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Các quyết định khởi tố, khám xét, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, bắt tạm giam của cơ quan cảnh sát điều tra đối với các bị can trên đã được Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phê chuẩn ngày 27/12.
Vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Đến nay, vụ án đã khởi tố tổng cộng 22 bị can, kê biên và thu hồi số tài sản có trị giá trên 2.000 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục khẩn trương điều tra mở rộng vụ án và thu hồi tài sản của các bị can do phạm tội mà có, theo VOH.
Trước đó, từ tháng 10-2016, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã quyết định khởi tố, bắt tạm giam gồm Trần Phương Bình (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng giám đốc của Đông Á Bank), Nguyễn Thị Ngọc Vân (nguyên Phó Tổng giám đốc Đông Á Bank), Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó Tổng giám đốc Đông Á Bank) về các tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay”. Riêng Nguyễn Thị Kim Xuyến bị bắt về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tiếp nhận thông tin trên, Công an TPHCM đã vào cuộc làm rõ những sai phạm và chuyển toàn bộ hồ sơ cho C46 tiếp tục mở rộng điều tra. C46 xác định ông Bình với vai trò là lãnh đạo đã chỉ đạo bà Vân và bà Xuyến cùng một số lãnh đạo khác ở Sở giao dịch Đông Á Bank lập khống hồ sơ và duyệt các bộ hồ sơ tín dụng để lấp vào các khoản thiếu hụt mà ông Bình đã rút trước đó. Ngoài ra, ông Bình còn nhờ người nhà đứng ra vay tiền Đông Á Bank để đầu tư, chỉ đạo cấp dưới giải ngân ngoài sổ sách để làm ăn cá nhân. Do làm ăn thua lỗ đã gây thất thoát cho Đông Á Bank hơn 2.000 tỷ đồng, theo Người lao động.
Diệu Chi