Đại Kỷ Nguyên

Thêm nguy cơ giảm phát đe dọa kinh tế Trung Quốc

Kinh tế Trung Quốc lại phải hứng chịu một cú đòn nữa khi số liệu ngày 9/12 cho thấy giảm phát đang trở lại, một ngày sau khi nước này báo cáo kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu giảm tốc mạnh.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 11 giảm 0,3% so với tháng 10, trong khi chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 0,2% – ghi nhận tháng giảm đầu tiên trong vòng 7 tháng.

So với cùng kỳ năm trước, chỉ số PPI chỉ tăng 2,7% trong tháng 11 – mức tăng thấp nhất trong 2 năm qua, trong khi chỉ số CPI tăng 2,2%, mức tăng thấp nhất trong vòng 4 tháng.

Số liệu cho thấy giá giá dầu thô và than đá giảm mạnh trong tháng 11.

Giá cả giảm lại làm khó các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. (Ảnh: EPA)

Theo trang tin SCMP, việc chỉ số giá tiêu dùng và giá sản xuất đều giảm phản ánh sự suy yếu về nhu cầu từ cả người tiêu dùng và các nhà đầu tư Trung Quốc khi họ hạn chế chi tiêu do lo ngại cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ kiến tăng trưởng kinh tế sẽ gặp khó trong tương lai.

Giá cả giảm trong bối cảnh giới chức Trung Quốc đang phải nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trước khi diễn ra cuộc họp thường niên nhằm hoạch định các chính sách cho năm tới.

Các nhà phân tích cho rằng áp lực giảm phát dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài do các hoạt động kinh tế suy yếu.

Trước khi số liệu được công bố, chuyên gia phân tích Jiang Chao của hãng Haitong Securities đã đưa ra nhận định rằng chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 0 điểm vào tháng 12 và rơi vào vùng âm trong năm 2019, chính thức đưa Trung Quốc vào giảm phát.

Giảm phát thường liên quan đến sự thu hẹp của các hoạt động kinh tế, cho nên tình trạng giảm phát là bằng chứng mới cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gặp khó khăn, dù Trung Quốc và Mỹ mới đây đã đồng ý về một thỏa thuận “đình chiến thương mại” kéo dài 90 ngày nhằm tìm cách giải quyết những bất đồng.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cho chính phủ công bố cũng cho thấy hoạt động của lĩnh vực chế biến chế tạo khổng lồ của Trung Quốc đã bị đình trệ trong tháng 11 lần đầu tiên trong vòng hơn 2 năm do đơn đặt hàng mới giảm.

Hôm 8/12, cơ quan hải quan Trung Quốc cho biết xuất khẩu của nước này đã giảm tốc mạnh trong tháng trước, dù thặng dư thương mại với Mỹ vẫn tăng lên mức kỷ lục. Cụ thể, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước lên 227,4 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức tăng 12,6% của tháng trước. Nhập khẩu tăng 3% lên 182,7 tỷ USD, cũng kém xa mức tăng 20,3% của tháng 10.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng 9,7% lên 46,2 tỷ USD trong tháng 11, trong khi nhập khẩu giảm 25% xuống 10,6 tỷ USD. Theo đó, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục 35,5 tỷ USD.

Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng vực dậy niềm tin vào triển vọng kinh tế của nước này và chuyển ưu tiên chính sách từ việc cắt giảm nợ sang hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, các dấu hiệu về sự căng thẳng của nền kinh tế liên tục xuất hiện.

Số liệu kinh tế trong 3 quý đầu năm 2018 cho thấy có tới 19 tỉnh thành không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP và nhiều địa phương đang thi nhau đầu tư để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng của năm.

Chính phủ Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về tình trạng thất nghiệp và cam kết sẽ trợ cấp tiền mặt cho chủ doanh nghiệp để họ không cắt giảm lực lượng lao động.

Vũ Thường

Exit mobile version