Việc cả 3 “ông lớn” ngân hàng gồm Agribank, VietinBank và Vietcombank quyết định tăng phí rút tiền nội mạng đã khiến gần 39 triệu thẻ đang lưu hành của những ngân hàng này bị ảnh hưởng.
Ngày 9/5, Vietcombank thông báo chính thức về việc nâng phí rút tiền nội mạng khi chủ thẻ rút tiền tại cây ATM của Vietcombank. Theo đó, từ ngày 16/5, phí rút tiền nội mạng sẽ tăng thêm 500 đồng, tương đương mức 1.650 đồng/giao dịch (đã bao gồm thuế GTGT), ngang với mức phí của Agribank.
Đối với VietinBank, từ ngày 5/5, phí rút tiền của chủ thẻ Vietinbank tại các ATM của ngân hàng này đã được tăng lên 1.560 đồng (đã gồm thuế GTGT) với thẻ thông thường và 2.200 đồng với thẻ Gold, Pink. Phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ATM của VietinBank được thông báo là 11.000 đồng.
Trước đó, Agribank cũng thông báo sẽ điều chỉnh nhiều mức phí đối với chủ thẻ ATM từ ngày 12/5. Cụ thể, Agribank tăng phí rút tiền nội mạng từ 1.100 đồng/lần lên 1.650 đồng/lần (bao gồm thuế GTGT). Ngoài ra, Agribank cũng tăng phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ATM và phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ứng dụng E-Mobile Banking lên mức 0,05% số tiền giao dịch, tối thiểu 8.000 đồng/giao dịch.
Trong khi đó, BIDV – ngân hàng còn sót lại của nhóm Big 4 có gốc nhà nước – vẫn chưa thông báo biểu phí rút tiền ATM mới.
Như vậy, sau 5 năm “đứng yên”, đã có 3 ngân hàng lớn nhất tăng phí rút tiền nội mạng. Điều đó đồng nghĩa với khoảng 38,73 triệu chủ thẻ của các ngân hàng này phải trả thêm phí khi rút tiền tại ATM của chính ngân hàng phát hành thẻ.
Những ngày vừa qua, thông tin ngân hàng đua nhau tăng phí rút tiền nội mạng vấp phải sự phản ứng của nhiều khách hàng do đây là loại phí phổ thông nhất và gần như chủ thẻ nào cũng phải trả. Thậm chí, không ít người còn muốn bỏ hủy thẻ của các ngân hàng này, để chuyển sang ngân hàng khác.
Chia sẻ trên Nhịp sống kinh tế, chị Đào (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, trong số 4 thẻ ngân hàng mà chị đang sở hữu thì có tới 3 thẻ thuộc diện tăng phí trong đợt đầu tháng cuối tháng 4, đầu tháng 5.
Theo chị Đào, ngoài thẻ ATM Agribank để nhận lương từ công ty, chị còn mở thêm thẻ tại Vietcombank và Eximbank, TBbank để tiện cho giao dịch bán hàng online. Tuy nhiên, sau đợt điều chỉnh giá của các ngân hàng, tính sơ, phí giao dịch ngân hàng có thể trội lên 200.000 đồng mỗi tháng.
Hiện nay, việc một khách hàng sở hữu 2-3 thẻ ngân hàng không phải hiếm. Nhiều người chia sẻ, riêng thẻ nhận lương theo quy định của công ty, cơ quan làm việc, do không thể hủy nên đành ngậm ngùi chấp nhận mức phí tăng. Tuy nhiên, với những thẻ mở thêm, ít có giao dịch, nhiều người cân nhắc hủy thẻ hoặc cắt giảm dịch vụ để không phải chịu mức phí cao hoặc đóng phí duy trì thẻ.
Trên mạng xã hội, thông tin về các đợt điều chỉnh tăng phí dịch vụ của ngân hàng cũng khiến dư luận xôn xao. Nhiều khách hàng băn khoăn về các khoản thu phí mà không nhận được lời giải thích cụ thể của ngân hàng.
Bên cạnh đó, nhiều khách hàng cho rằng trong khi điệp khúc phí dịch vụ tăng vẫn tiếp tục thì chất lượng dịch vụ của ngân hàng lại cho thấy nhiều vấn đề đáng lo ngại. Thậm chí, tình trạng khách bị rút trộm tiền từ thẻ ATM không phải chuyện hiếm.
Nguyễn Trang