Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, doanh thu bán lẻ Việt Nam năm 2017 đạt 2,9 triệu tỷ đồng, tương đương 130 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2016. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam.
Tổng hợp của tạp chí Forbes cho thấy doanh thu bán lẻ của Việt Nam chưa có năm nào sụt giảm tính từ năm 1990 đến nay, mặc dù tốc độ tăng trưởng có xu hướng ổn định hơn từ 2010 trở lại đây.
Ngành bán lẻ ở khu vực thành thị trong năm vừa qua vẫn đang là động lực cho sự thay đổi này. Mức sống tăng cùng với sự mở rộng của tầng lớp trung lưu và lối sống thành thị được cho là nguyên nhân chính khiến bán lẻ trở thành một lĩnh vực tiềm năng.
Theo Boston Consulting Group (BCG), là một trong ba công ty tư vấn chiến lược hàng đầu trên thế giới, tầng lớp trung lưu Việt Nam (có mức thu nhập từ 15 triệu đồng/tháng trở lên), sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn 2014–2020 và chiếm khoảng 1/3 dân số. Đến năm 2020, khoảng 1/3 số người thuộc tầng lớp trung lưu sẽ tập trung tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong một cuộc khảo sát năm 2012–2013 của BCG, người tiêu dùng Việt Nam chỉ đứng sau Myanmar về sự lạc quan. Khoảng 92% người Việt cho rằng cuộc sống đang ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ đó ở Mỹ chỉ đạt 54%. Thậm chí, chỉ 24% người Mỹ được hỏi cho rằng cuộc sống con cái họ sẽ tốt hơn trong tương lai.
Hàng loạt các thương hiệu thời trang quốc tế đã đổ bộ vào Việt Nam, đón đầu xu hướng tiêu dùng của tầng lớp trung lưu tại đây. H&M, Zara, Seven Eleven, Uniqlo đang dần kéo về Việt Nam và tọa lạc ở các trung tâm thương mại lớn.
Vingroup cũng đã kịp mở trên 1.000 cửa hàng tiện lợi Vinmart+, len lỏi vào từng khu phố, con ngõ ở các thành phố lớn, đang thay đổi thói quen mua hàng thiết yếu của người dân.
Thế giới di động – doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực bán lẻ vừa thâu tóm đối thủ bán lẻ điện máy Trần Anh trong một thương vụ trị giá trên 800 tỷ đồng, và lấn sân sang dược phẩm với vụ mua lại nhà thuốc Phúc An Khang đổi tên thành AnKhang.com.
Quang Minh