Việt Nam đang được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ năng động và hấp dẫn nhất trên thế giới.
Theo báo cáo do Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cùng chuyên trang cơ sở dữ liệu tri thức kinh tế và kinh doanh (Vibiz.vn) đưa ra, cam kết mở cửa của các hiệp định thương mại tự do đã dẫn tới sự bùng nổ các thương hiệu bán lẻ tại thị trường Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có thị trường bán lẻ năng động và hấp dẫn đầu tư nhất trên thế giới.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy tiêu dùng trong nước luôn là một động lực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc gia. Bên cạnh đó, tốc độ tăng tiêu dùng cao chính là một trong những yếu tố cho thấy tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng dần qua các năm với tỷ lệ tăng bình quân là 15,5%/năm. Tốc độ phát triển này đã đưa Việt Nam trở thành một trong 6 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu theo chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu do A.T Kearney công bố.
Cả nước hiện có khoảng 800 siêu thị, trung tâm mua sắm, 150 trung tâm thương mại, gần 9.000 khu chợ và 2,2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ trên cả nước.
Theo dự báo của Viện nghiên cứu Thương mại, các con số này có thể tiếp tục tăng, tới năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.200 – 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm, quy mô thị trường đạt khoảng 179 tỷ USD.
Qua những con số trên có thể nhận thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam đang có những bước phát triển “ngược chiều” so với một số các quốc gia trên thế giới, ví dụ như Mỹ. Hiện tại các nhà bán lẻ truyền thông tại Mỹ đang gặp nhiều khó khăn và phải đóng cửa hàng loạt các trung tâm mua sắm trước áp lực của thương mại điện tử. Do đó, có thể dễ dàng nhận thấy thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ được các nhà bán lẻ nổi tiếng này nhắm tới.
Điều này vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong nước trước áp lực cạnh tranh gay gắt với các đối thủ ngoại. Các nhà bán lẻ trong nước cần tìm cho mình một hướng đi an toàn, hướng tới những thị trường mà các đối thủ ngoại chưa hướng tới như các tỉnh vùng sâu, vùng xa để tận dụng tối đa lợi thế, tránh việc mất thị phần mà thua tại sân nhà.
Thu Nguyễn