Khi các nhà xuất khẩu cảm nhận được sức nóng từ cuộc chiến thương mại, động cơ tiêu dùng nội địa quyền lực của Trung Quốc lẽ ra phải cung cấp một vài sự bảo vệ dành cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nước này. Thế nhưng, động cơ ấy hiện không phát huy nhiều tác dụng.
Theo Bloomberg, câu chuyện thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán trong vài tuần gần đây là sự sụt giảm nhu cầu ở nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới.
Cùng với số liệu chính thức được cơ quan thống kê Trung Quốc công bố mới đây cho thấy doanh số bán lẻ tăng trưởng chậm lại, nỗi lo của nhà đầu tư lại càng gia tăng khi nhà sản xuất rượu lớn nhất Trung Quốc là Mao Đài ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận yếu nhất trong gần 3 năm. Chỉ riêng trong vòng 6 tháng qua, vốn hóa thị trường của Mao Đài đã bị “bốc hơi” 212 tỷ Nhân dân tệ (tương ứng 30 tỷ USD).
Cổ phiếu của các công ty kinh doanh ít các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu – còn có kết quả tồi tệ hơn nữa. Chỉ số Shenzhen CSI 300 Consumer Staples Index giảm 22% trong tháng 10/2018, tháng giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua.
Dai Ming, chuyên gia quản lý quỹ tại Hengsheng Asset Management ở Thượng Hải, cho biết ông đã bán sạch cổ phiếu tiêu dùng trong năm nay để chuyển sang đầu tư vào cổ phiếu tài chính.
Theo Dai Ming, lợi nhuận của hãng sản xuất rượu Mao Đài – thường được mua làm quà – là bằng chứng cụ thể cho thấy sức tiêu thụ đang suy giảm của Trung Quốc. Bài thử nghiệm quan trọng kế tiếp sẽ là Ngày Độc thân (11/11) – một sự kiện mua sắm quan trọng cho đại gia thương mại điện tử Alibaba – và dịp Tết Âm lịch.
Thực tế, các nhà đầu tư không phải là thành phần duy nhất lo ngại về người tiêu dùng Trung Quốc. Các cơ quan quản lý Trung Quốc cũng đang thực hiện các chính sách để kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong bối cảnh chiến tranh thương mại đẩy chỉ số sản xuất công nghiệp xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
Đà giảm tốc của thị trường ô tô cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng cho sự suy giảm doanh số bán lẻ trong năm nay và cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc đang đề xuất giảm 50% thuế mua xe hơi xuống còn 5%. Các đợt cắt giảm thuế thu nhập cá nhân cũng đang được cân nhắc.
Jinghua Lin, chuyên gia phân tích tại Capital Securities Corp, cho rằng niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc đang rất yếu buộc họ phải thắt chặt chi tiêu.
“Chúng ta có lẽ phải chờ cho đến khi kết thúc các cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ trong tháng 11 của nghị viện Mỹ và kết quả các cuộc gặp sắp tới của hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung tại hội nghị thượng đỉnh G20 để thấy được sự thay đổi về tâm lý của người tiêu dùng Trung Quốc”, Jinghua Lin cho hay.
Vỹ An (Tổng hợp)