Giới đầu tư chứng khoán Trung Quốc đang “phát thèm” khi thị trường cổ phiếu Mỹ có chu kỳ tăng dài nhất trong lịch sử.
Để chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ, chính quyền Bắc Kinh đã chuyển hướng sang bảo vệ tăng trưởng.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã hồi sinh biện pháp cũ là hỗ trợ đồng Nhân dân tệ đang suy yếu, trong khi Bộ Tài chính nước này lại tiếp tục sẵn sàng đầu tư thêm cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Thậm chí, biện pháp cắt giảm thuế thu nhập cho tầng lớp trung lưu cũng đã được đặt vào bàn thảo luận.
Tuy nhiên, Trung Quốc dường như không có bất cứ biện pháp nào để cải thiện tâm trạng của giới đầu tư. Thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn là thị trường tồi tệ nhất ở khu vực châu Á trong năm nay, với các chỉ số chứng khoán chủ chốt thấp hơn chỉ số S&P 500 của Mỹ gần 30 điểm phần trăm từ đầu năm 2018 đến nay.
Chứng khoán Trung Quốc đã lao dốc hai lần trong năm nay. Cho đến cuối tháng 5, trước khi Mỹ đánh thuế thêm 25% vào hàng loạt hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, giới đầu tư đã đua nhau bán ra vì lo ngại họ sẽ bị thiệt hại bởi các đợt mất giá đồng tiền của Trung Quốc trong bối cảnh cổ phiếu các công ty mà họ mua vào không thể đảo nợ.
Hiện nay, để có lãi tại thị trường Trung Quốc là rất mong manh. Sau đợt phục hồi khá lạc quan vào đầu năm, lợi nhuận lại bị thu hẹp trong tháng 7. Các công ty lại một lần nữa cảm thấy bị chèn ép.
Có thể đổ lỗi cho những trở ngại, bắt đầu từ chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Giá thép đã tăng từ 280 USD/tấn vào năm 2015 lên 4.735 USD/tấn vào năm 2018, trong khi đó giá dầu cũng phục hồi lên mức 68 USD/thùng vào năm nay so với mức 26 USD/thùng trong năm 2016.
Thật đen đủi cho những người không sở hữu bất động sản. Thị trường cho thuê của Trung Quốc đang bắt đầu bắt kịp với giá nhà đang tăng cao. Giá cho thuê tại Bắc Kinh đã tăng khoảng 1/4 chỉ trong năm nay. Giá thuê kho và mặt bằng đã tăng 6% so với thời điểm cách đây một năm.
Để khiến mọi thứ tồi tệ hơn nữa, giới doanh nhân đang phải gánh vác những khoản đóng góp khổng lồ cho an ninh xã hội. Họ phải nộp 19% lương của nhân viên cho hệ thống lương hưu của chính phủ và 12% tiền lương của một công nhân cho quỹ tiết kiệm nhà ở.
Làm thế nào để chính phủ Trung Quốc đưa thị trường chứng khoán nước này quay lại thời kỳ hoàng kim trước đây? Tăng gấp đôi chi tiêu cho cơ sở hạ tầng sẽ chỉ khiến nợ chồng nợ. Các công ty tài chính, với cổ phiếu chiếm 1/3 tổng giá trị thị trường, sẽ ngày càng rơi vào tình cảnh túng quẫn.
Có lẽ chính quyền Bắc Kinh nên học tập cách làm của Tổng thống Mỹ Donald Trump và cắt giảm thuế doanh nghiệp. Ông Trump đã tăng cường quản lý nhằm bảo vệ nền kinh tế Mỹ khỏi bất kỳ sự bất lợi nào của cuộc chiến tranh thương mại cho dù đó chỉ là biện pháp tạm thời. Kết quả là hàng loạt doanh nghiệp Mỹ đều thu về lợi nhuận xuất sắc trong năm nay. Đây chính là chìa khóa cho giới đầu cơ chứng khoán tích cực trở lại.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), thuế từ các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm 67,3% tổng đóng góp cho quỹ an toàn xã hội.
Nhưng thậm chí khi đưa ra gợi ý cắt giảm thuế, giới quan chức Trung Quốc cũng không thể thực hiện biện pháp này ngay bây giờ. Bắc Kinh đang ở trong trạng thái tê liệt về chính sách vì họ không chắc chắn chiến tranh thương mại sẽ kéo dài trong bao lâu. Hơn nữa, nước này còn bị mắc kẹt bởi hai nhiệm vụ, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa phải ngăn chặn thời điểm Minsky – sự di chuyển chậm từ trạng thái ổn định sang khủng hoảng của hệ thống tài chính.
Bộ Tài chính Trung Quốc đã tính toán ngân sách của nước này cho nửa cuối năm 2018. Do vậy, rất khó để thay đổi được chính sách thuế cho đến đầu năm 2019.
Cho đến lúc đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ tiếp tục phải chịu số phận lao đao.
Tổng Hợp