Gạo xuất khẩu tăng mạnh, gạo nội địa tăng giá trung bình 10.000 đồng/10kg từ khoảng 2 tuần nay, nguồn cung hạn hẹp khiến giá gạo cuối năm liên tục tăng.
Nhiều tiểu thương tại thị trường gạo Hà Nội cho biết, nguyên nhân khiến gạo tăng giá gần đây là do nguồn cung vụ Hè Thu và Thu Đông hạn chế, lũ lụt thời gian qua khiến thị trường gạo nóng thêm, mưa lớn kéo dài khiến nhiều vùng trồng lúa lớn bị mất trắng.
Trong khi đó, thời tiết bất lợi tại đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất cả nước cũng gây ảnh hưởng đến năng suất tại nhiều địa phương, theo Báo An ninh thủ đô.
Từ trung tuần tháng 10 trở lại đây, khảo sát giá gạo một số đại lý gạo tại thị trường Hà Nội cho thấy, giá gạo tăng trung bình 10.000 – 15.000 đồng/10kg so với thời điểm đầu tháng 10/2017.
Cụ thể, gạo Tám thơm Hải Hậu có giá 160.000-170.000 đồng/10kg, tăng 10.000 đồng so với thời điểm trước đó 1 tuần. Gạo tám Thái Lan có giá 185.000 đồng/10kg, tăng 15.000 đồng; gạo Khang Dân tăng 10.000 đồng/10kg có giá 155.000 đồng/10kg; Gạo Campuchia cũng tăng từ 160.000 đồng/10kg lên 170.000 đồng/10kg.
Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, hiện nay giá gạo tại đồng bằng sông Cửu Long cũng đang nhích lên. Đến ngày 30/10, giá lúa khô loại thường tại kho khu vực ĐBSCL là 5.600-5.700 đồng/kg, lúa dài 5.900-6.000đồng/kg lại tăng tiếp từ 100-200 đồng/kg.
Tương tự, giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.900-8.000 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7.600-7.700 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 8.600-8.700 đồng/kg, gạo 15% tấm 8.400-8.500 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 8.150-8.250đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
Như vậy, so với đầu tháng 10 trở về trước, giá lúa gạo tại vựa lúa lớn nhất cả nước này đã tăng đáng kể. Đây là một tin vui đối với người nông dân.
Thời điểm này, thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam cũng có tín hiệu sáng từ thị trường cả 3 khu vực châu Á, châu Phi và châu Âu với nhu cầu mua tăng.
Mới đây, một đối tác của Iran đã qua làm việc trực tiếp với một doanh nghiệp gạo Cần Thơ và thỏa thuận hợp đồng xuất khẩu sang Iran đến cuối năm 2017 khoảng 100.000 tấn gạo. Đáng lưu ý là trước đây Cần Thơ chưa xuất khẩu gạo sang thị trường này.
Bên cạnh đó, nhiều nhà xuất khẩu đang chờ thông tin tốt từ Bangladesh khi quốc gia này có nhu cầu nhập khẩu khoảng 500.000 tấn gạo. Nếu trúng thầu, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục lội ngược dòng, khả quan hơn vào những tháng cuối năm.
Theo dữ liệu của VFA, từ đầu năm 2017 đến ngày 3/10/2017, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 5,274 triệu tấn, tăng 41,02% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt tổng khối lượng xuất khẩu gạo Việt Nam đạt được trong cả năm 2016 là 4,862 triệu tấn.
Để mức giá trên được ổn định, tránh bị ép giá gây thiệt hại, cần thúc đẩy liên kết thông qua tổ chức sắp xếp lại ngành hàng lúa gạo cũng như việc thu mua, chế biến lúa gạo và thị trường tiêu thụ.
Hoàng Mai (TH)