Đại Kỷ Nguyên

Thiết kế độc lạ của 6 cây cầu trên thế giới

Không chỉ phục vụ cho việc đi lại, nhiều cây cầu trên thế giới còn là tuyệt tác nghệ thuật với thiết kế độc đáo, được nhiều tín đồ mê du lịch khám phá. 

Cầu Rakotzbrucke nằm tại công viên Kromlauer, Đức do kiến trúc sư Friedrich Hermann Rötschke thiết kế. Cây cầu được xây dựng từ năm 1860 bằng đá bazan, theo phong cách La Mã cổ. Rakotzbrucke có hình vòm và khi phản chiếu lên mặt hồ tạo thành một vòng tròn tuyệt đẹp. Công trình này được xây dựng không phục vụ mục đích đi lại mà chỉ mang tính thẩm mỹ. (Ảnh: Pinterest)

Cầu kính bắc qua 2 đỉnh núi ở công viên quốc gia Trương Gia Giới (Hồ Nam, Trung Quốc) mở cửa đón khách từ năm 2016 và thu hút nhiều tín đồ thích mạo hiểm ghé thăm. Cầu do kiến trúc sư người Israel – Haim Dotan – thiết kế, có chiều dài 430 m và nằm ở độ cao 300 m so với mặt đất. Đây là cây cầu đáy kính cao nhất thế giới, giúp bạn thưởng thức khung cảnh ngoạn mục của thiên nhiên. (Ảnh: The Jakarta Post)

Cầu Rolling hay còn gọi là cầu Cuộn tại London, Anh có thiết kế độc đáo khi có khả năng uốn cong, cuộn tròn. Cầu có độ dài 12 m, mở ra vào các ngày thường trong tuần để người dân đi bộ và cuộn tròn lại thành hình bát giác vào những ngày thứ 7, Chủ nhật để tàu bè có thể thuận tiện qua lại.

Cầu tre bắc qua sông Mekong, nối tp. Kampong Cham với đảo Koh Paen, Campuchia nổi tiếng bởi chiều dài 1 km được ghép từ 50.000 khúc tre. Hàng năm, vào mùa mưa (từ tháng 5-tháng 11), người dân ở đảo Koh Paen sẽ tháo dỡ cầu tre để bảo quản. Khi mùa khô đến, cầu được dựng lại.

Công việc này diễn ra hoàn toàn thủ công từ hàng thập kỷ trước và vẫn đều đặn mỗi năm đến tận bây giờ. Không chỉ dành cho người đi bộ, cầu còn đủ lớn để các phương tiện từ xe máy đến xe tải có thể đi qua. (Ảnh: Shutterstock)

Nằm trên độ cao 200 m và có chiều dài 20 m, cầu Shaharah là một công trình đáng tự hào của Yemen. Cầu còn có tên gọi là “cầu Than Thở”, được xây dựng từ thế kỷ 17 bằng đá vôi.

Ở 2 bên cầu có đường mòn bậc thang dẫn lên các ngọn núi lân cận. Cầu Shaharah được các kỹ sư cơ khí đánh giá cao, thể hiện sự kiên cường của con người, vượt qua trở ngại về vật lý và kỹ thuật khiêm tốn thời bấy giờ. (Ảnh: Pinterest)

Không giống như những cây cầu gõ, thép khác, chiếc cầu ở làng Cherrapunji, bang Meghalaya, Ấn Độ lại khiến nhiều người bất ngờ bởi được làm từ rễ cây đa búp đỏ. Khi cây phát triển sẽ tạo ra bộ rễ trụ thòng xuống vững chắc, người dân nơi đây luồn các sợi rễ qua giàn tre được lắp đặt tạm thời để cố định rễ.

Qua thời gian, bộ rễ ngày càng phát triển và kết dính chặt với nhau. Cầu rễ cây này đủ chắc chắn cho 50 người đi qua cùng lúc. (Ảnh: Flickr)

(Tổng hợp)

Exit mobile version