Đại Kỷ Nguyên

Thu không đủ bù chi, người dân Lâm Đồng ồ ạt chặt bỏ cây chè

Ảnh minh họa.

Thu nhập thấp không đủ bù chi phí, nhiều người nông dân ở Lâm Đồng đã quyết định phá bỏ cây chè để chuyển đổi sang loại cây trồng khác.

Là loài cây chủ lực, gắn bó với vùng đất Lâm Đồng gần 100 năm nay, nhưng một vài năm trở lại đây, nhiều vườn chè tại Lâm Đồng đang bị phá bỏ.

Theo báo Nông Nghiệp, thời điểm năm 2016 toàn tỉnh Lâm Đồng có 21.000 ha chè, chiếm 16% diện tích chè của cả nước. Tuy nhiên, đến tháng 9/2018 đã giảm khoảng 1 nửa, chỉ còn khoảng 13.000 ha.

Theo anh Nguyễn Đức Hải ở xã Lộc Quảng, trung bình tổng thu 1 ha chè tầm 160 triệu đồng, sau khi trừ chi phí chỉ lãi trên dưới 50 triệu. Tính ra, giá trị kinh tế từ cây chè chỉ hơn cây điều và lúa. Trong khi đó, chè là loại cây trồng cần nhiều công lao động, từ khâu chăm sóc đến thu hái. Bên cạnh đó, giá cả vật tư đầu vào và nhân công tăng cũng là một trong những nguyên nhân khiến người trồng khó có lãi.

Ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND xã Lộc Quảng, cho biết, từ năm 2015 đến nay, diện tích trồng chè trong xã đã sụt giảm hơn 50%, từ 900 ha xuống còn hơn 400 ha. Không chỉ những vườn chè có năng suất kém bị phá bỏ, những vườn chè chất lượng cao cũng bị san ủi để chuyển đổi sang các cây trồng khác.

Theo VnExpress, không chỉ ở vùng chè xã Lộc Quảng, tình trạng phá bỏ cây chè cũng diễn ra tại thành phố Bảo Lộc. Từ chỗ có 7.000 ha chè, nay diện tích trồng chè giảm xuống chỉ còn 3.000 ha.

Tại hai xã Xuân Trường và Trạm Hành (TP. Đà Lạt), nhiều diện tích chè chất lượng cao đã bị nông dân phá bỏ.

Ông Trần Như Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường, cho biết có khoảng 40 hộ dân phá bỏ 20ha chè Kim Tuyên, Tứ Quý… chuyển sang trồng cà phê, rau.

Nhiều nông dân phản ánh, mặc dù có một số công ty, doanh nghiệp đến thu mua, song sản phẩm tiêu thụ rất chậm và bán giá thấp. Trong đó có cả chuyện o ép khi thu mua khiến không ít người trồng nản lòng. Nhiều tháng sau mới nhận được tiền bán nợ. Bà con khó xoay sở để có vốn nuôi vườn chè.

(Tổng hợp)

Exit mobile version