Sáng nay (4/3) tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi với 63 tỉnh, thành phố.

videoinfo__video3.dkn.tv||cbc252d35__

Thủ tướng đồng ý phí hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh bằng 80% thị trường. (Video: Tin Nóng Mỗi Giờ)

Theo Dân Việt, tại Hội nghị, Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy, bỏ điều kiện phải khai báo và có xác nhận của UBND cấp xã khi nuôi lợn vì không khả thi.

Kinh phí lấy từ quỹ phòng, chống thiên tai của địa phương. Trong quá trình triển khai phải đảm bảo tính công khai, minh bạch và kịp thời hỗ trợ cho người chăn nuôi.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Chương/Dân Việt)

Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, từ ngày 1/2 đến ngày 3/3, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương. Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4 nghìn 231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.

Trên báo Lao Động, lý giải về nguyên nhân dịch lây lan nhanh chóng, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho rằng, giải trình tự gien của virus dịch tả lợn Châu Phi gây bệnh trên lợn tại Việt Nam kết quả cho thấy giống 100% chủng virus dịch tả lợn Châu Phi gây bệnh trên lợn tại Trung Quốc.

Từ ngày 1/2 đến ngày 3/3, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố. (Ảnh: IT)

Việt Nam và Trung Quốc có chung đường biên giới với chiều dài trên 1.000km, có nhiều cửa khẩu, hàng trăm đường mòn, lối mở và các hoạt động của cư dân biên giới, chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, phương tiện qua lại…, chỉ tính riêng tại Quảng Ninh, có ngày có trên 10.000 lượt người qua lại ở biên giới hai nước.

Lượng xe cộ, phương tiện vận chuyển cũng được người dân Việt Nam và các nước sử dụng nhiều nên rất có thể mang theo mầm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam.

Nghiêm cấm giết mổ, tiêu thụ lợn bị dịch tả lợn Châu Phi. (Ảnh minh họa: Lao Động)

Ngoài ra, lượng khách đi du lịch từ các nước qua đường bộ, đường hàng không và đường biển vào Việt Nam rất lớn, nhất là khách từ các nước Châu Á thường có thói quen mang theo thực phẩm có chứa thịt lợn nên có thể đưa mầm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam (tương tự như đã phát hiện tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)…).

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết: “Tại nước ta, phần lớn hiện nay vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi khá phổ biến, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh”.

Thế Tam (tổng hợp)