Chi phí cho các thủ tục hành chính nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam tăng cao đang tạo gánh nặng cho tăng trưởng kinh tế.
Tại hội nghị “Bước kế tiếp trong tạo thuận lợi thương mại tại Việt Nam” diễn ra ngày 10/9, cố vấn cao cấp Nestor Scherbey của Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại toàn cầu (GATF) chỉ ra rằng những quy định thương mại lỗi thời kết hợp với các thủ tục tài chính rườm rà, không minh bạch đã tạo ra một gánh nặng cho tăng trưởng kinh tế, tương đương với “mức thuế quan vô hình” lên tới 164,25%.
Theo GATF, các tính toán về chi phí thương mại tương đương theo giá trị hàng hóa ở các nước đang phát triển là 219% và ở các nước có thu nhập cao là 134%.
Chi phí thương mại ở các nước đang phát triển rất cao, phần lớn xuất phát từ các chính sách, mà cụ thể là các thủ tục hành chính.
Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện tại 126 nước cho thấy chỉ khoảng 25% lý do cho sự chậm trễ của các lô hàng là do đường sá hoặc cơ sở hạ tầng cảng yếu kém. Và 75% còn lại là do các rào cản hành chính như nhiều thủ tục hải quan, thủ tục thuế, các yêu cầu về giấy chứng nhận, thông quan và kiểm tra hàng hóa.
“Điều này có nghĩa là các quy định thương mại lỗi thời kết hợp với các thủ tục hành chính rườm rà, không minh bạch đã tạo ra một gánh nặng cho tăng trưởng kinh tế tương đương với “mức thuế quan vô hình” lên tới 164,25%”, ông Nestor Scherbey cho biết.
Ông Nestor cũng nhận xét rằng đó chính là “rào cản phi thuế quan và kỹ thuật” và là gánh nặng lớn nhất đối với hàng nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.
Theo các thống kê chính thức, khoảng 97% doanh nghiệp Việt Nam thuộc loại vừa và nhỏ. Nếu Việt Nam muốn tham gia vào các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là “rào cản phi thuế quan và kỹ thuật”.
Ông Nestor Scherbey cho biết GATF đã chọn Việt Nam là quốc gia đang phát triển đầu tiên ở châu Á để hỗ trợ thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại (TFA) của WTO bằng cách giới thiệu một hệ thống bảo lãnh thông quan hiện đại áp dụng cho các hoạt động thương mại xuất nhập khẩu. Hiệp định TFA dự kiến sẽ làm tăng 60-80% doanh số xuất khẩu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở một số nền kinh tế.
Theo đó, khi hệ thống bảo lãnh thông quan được áp dụng vào Việt Nam, thời gian xử lý thương mại và thông quan xuất khẩu sẽ được rút ngắn, đồng thời bảo vệ nguồn thu ngân sách và bảo đảm việc thực thi các quy định của pháp luật.
Việc giảm 1 ngày trong thời gian xử lý thương mại và thông quan xuất khẩu sẽ dẫn đến mức tăng tối thiểu 1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm, tương đương 2,13 tỷ USD.
Đối với một số mặt hàng quan trọng trong nông nghiệp và các hàng hoá nhạy cảm với thời gian, mức tăng có thể lên đến 6%. Giảm 5 ngày sẽ mang lại kim ngạch xuất khẩu khoảng 10,65 tỷ USD.
“Một nghiên cứu khác cho thấy lợi ích từ việc tăng 10% tính minh bạch theo yêu cầu của TFA sẽ mang lại kim ngạch nhập khẩu hàng năm là 8,7 tỷ USD. Điều này cũng dựa trên số liệu thương mại năm 2016 của Việt Nam”, ông Nestor Scherbey nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, bản chất của mô hình bảo lãnh thông quan là tách biệt việc thông quan, giải phóng hàng hoá tại cửa khẩu và thực hiện các yêu cầu về hồ sơ, giấy tờ, điều kiện thành hai luồng quy trình, hoạt động riêng thông qua việc thực hiện bảo lãnh thông quan.
Nói cách khác, bản chất giống như mua phí bảo hiểm để bảo đảm nhà nhập khẩu hoặc xuất khẩu sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế khi nhập khẩu, xuất khẩu vào Việt Nam. Những vấn đề này được thực hiện trước khi hàng đến và giúp hàng hoá khi về sẽ được thông quan nhanh hơn.
Tuy nhiên, theo ông Nestor Scherbey, bảo lãnh thông quan làm nhiều chức năng hơn là chỉ đảm bảo thanh toán các khoản thuế, phí. Bảo lãnh thông quan hoạt động để đảm bảo một cơ chế xử phạt chặt chẽ hơn mà qua đó nghĩa vụ thực hiện các yêu cầu tuân thủ thương mại cho hàng nhập khẩu được bảo đảm.
Kiều Ngọc (Tổng hợp)