Na bở tại Lạng Sơn hiện vẫn chưa vào chính vụ thu hoạch nên nguồn cung khan hiếm. Nhiều thương lái Hà Nội đang lùng mua loại trái cây này với giá 70-80 nghìn đồng/kg, đắt gấp đôi so với na dai.
Trước đây, na bở ở huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) từng bị rơi vào tình trạng “thất sủng” do không thể cạnh tranh nổi với loại na dai có vị ngọt đậm, dai bùi, ít hạt, múi na to, dễ bóc vỏ và để lâu ngày. Tuy nhiên, thời gian gần đây, na bở bất ngờ “lên ngôi” khi được rất nhiều du khách và người bản địa ưa chuộng.
Sở dĩ na bở Chi Lăng bỗng dưng đắt khách là do được trồng tự nhiên trên núi cao. Na có vỏ mỏng, ăn mát, bổ và đặc biệt có vị ngọt thanh rất dễ chịu. Bên cạnh đó, na bở có chứa nhiều vitamin C, kali, chất xơ, carbohydrates và một số vitamin cùng khoáng chất thiết yếu rất có lợi trong việc bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể.
Chia sẻ trên Tiền phong, bà Nam ở thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng) cho biết, 5 năm nay gia đình bà quay lại trồng na bở vì khách quen đặt từ trước vụ. Na bở trồng và chăm sóc rất khó, như thụ phấn cho na chỉ đạt 50-60% đậu trái, trong khi thụ phấn cho na dai có thể đạt 98%.
Cũng theo bà Nam, hiện na bở vẫn chưa vào chính vụ. Lứa na đầu mùa bán rất chạy, chủ yếu được thương lái ở Hà Nội thu mua với giá 70-80 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, na dai đang được rao bán với giá 40-50 nghìn/kg.
Huyện Chi Lăng là một trong hai địa phương có diện tích trồng na nhiều nhất tỉnh Lạng Sơn với gần 1.600 ha, sản lượng hàng năm đạt từ 15 nghìn tấn trở lên. Theo dự báo của ngành nông nghiệp Lạng Sơn, niên vụ năm 2018, sản lượng na của tỉnh có thể đạt 30-32 nghìn tấn, giá trị thu được ước tính gần 1.000 tỷ đồng, tăng 150-200 tỷ đồng so với năm 2017.
Tại thị trường Hà Nội, na bở cũng đang trở thành hàng hot, được rất nhiều người tiêu dùng lùng mua từng quả với giá khá đắt, từ 150-170 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, cách đây vài năm, na bở được bán la liệt khắp các chợ với giá chỉ khoảng 20-30 nghìn đồng/kg loại ngon. Lý giải về việc lùng mua na bở giá cao, chị Liên ở Cầu Giấy cho biết loại na này ăn ngọt thanh, không bị ngán. Cả gia đình đều không thích vị ngọt đậm của na dai, nên dù giá cao, chị vẫn sẵn sàng mua. Chia sẻ trên Dân Việt, một số chủ cửa hàng bán hoa quả cho biết loại na này khá hiếm, không phải lúc nào cũng có sẵn hàng, khách chỉ cần chậm chân là phải đợi 3-4 ngày mới có. Các chủ hàng cũng cho biết nguồn cung na bở ở Lạng Sơn hiện rất hiếm, na bở trên thị trường Hà Nội chủ yếu có nguồn gốc từ Thuỷ Nguyên (Hải Phòng). |
Vỹ An