Nhu cầu về linh kiện giảm mạnh, góp phần khiến xuất khẩu của các nền kinh tế châu Á suy giảm.
Trong quý II/2018, khối lượng giao dịch thương mại toàn cầu không tăng sau 2 năm tăng trưởng đều đặn. Nhu cầu đối với sản phẩm bán dẫn tại châu Á giảm và căng thẳng thương mại Trung Quốc – Mỹ leo thang tác động xấu đến thương mại toàn cầu, theo Nikkei.
Xuất khẩu từ các nước châu Á mới nổi giảm 0,7% trong quý II, đánh dấu quý giảm đầu tiên trong vòng 7 quý sau khi tăng mạnh do Trung Quốc ồ ạt nhập khẩu các linh kiện và thiết bị sản xuất từ các quốc gia châu Á khác.
Yusuke Ichikawa, thuộc Viện nghiên cứu Mizuho có trụ sở tại Tokyo, cho biết nhu cầu đối các sản phẩm như điện thoại thông minh đã ở mức thấp nhất trong quý vừa qua và tình trạng này có thể ảnh hưởng đến thương mại ở châu Á.
Nhiều chuyên gia khác lại cho rằng xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tác động mạnh hơn đến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ở châu Á. Cả Mỹ và Trung Quốc đã áp dụng những biện pháp tăng thuế đối với hàng hóa của nhau, và nhiều khả năng sẽ còn thêm nhiều chính sách thuế mới được áp dụng.
Chuyên gia Yoko Takeda thuộc viện nghiên cứu Mitsubishi chỉ ra: “Nhiều công ty đã ngừng buôn bán khi họ cố gắng chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”.
Không ít chuyên gia lo ngại rằng nếu tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại kéo dài sang quý III và các quý sau, tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể sẽ xuống thấp hơn so với tăng trưởng kinh tế.
Theo báo cáo về thương mại toàn cầu của Cục phân tích chính sách kinh tế Hà Lan, chỉ số thương mại toàn cầu tháng 7/2018 giảm 0,8% xuống 123,7 điểm.
Mức trung bình của khoảng thời gian từ tháng 4/2018 đến hết tháng 6/2018 đạt 124,1 điểm – tương đương với 3 tháng trước đó. Chỉ số này trước quý II/2018 đã tăng liên tục suốt 2 năm.
Chuyên gia Yuto Ito thuộc viện nghiên cứu Dai-ichi Life cho rằng, nếu khối lượng giao thương toàn cầu giảm 1%, xuất khẩu của Nhật Bản sẽ giảm 1,82%.
Kiều Ngọc