Đại Kỷ Nguyên

Thương mại điện tử Việt: Thị trường màu mỡ nhưng dễ trắng tay

Thương mại điện tử Việt: thị trường màu mỡ nhưng dễ trắng tay

Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam là một mảnh đất màu mỡ với dung lượng thị trường lớn, tỉ lệ độ phủ internet cao nhưng cũng tồn tại không ít các rào cản gây khó cho doanh nghiệp. 

Mảnh đất màu mỡ…

Theo báo cáo mới do Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel vừa công bố, thương mại điện tử hiện đóng góp tới 36% mức tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) toàn cầu, và tiếp tục có sự tăng trưởng vượt trội so với mô hình bán lẻ truyền thống.

Ở Việt Nam, kênh TMĐT phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự phát triển của Internet. Dân số đông, tỷ lệ sử dụng internet và smartphone cao là một trong những tiền đề thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử. Theo nghiên cứu của Nielsen Việt Nam cho thấy, trung bình một người Việt Nam sở hữu 1,3 chiếc điện thoại, trong đó 70% là smartphone. Do đó, thương mại điện tử phát triển trên nền tảng di động là xu hướng tất yếu trong tương lai.

Trong năm qua, tỷ lệ người mua sắm thông qua TMĐT đã tăng từ 5,4% lên 8,8%, khiến nhiều nhà đầu tư tin tưởng tuyệt đối vào sự phát triển của thị trường này.

… Hay “miếng bánh” khó ăn

Bên cạnh những thuận lợi về dung lượng thị trường với dân số lên tới 95 triệu người, cùng với tốc độ phát triển internet nhanh chóng, cũng như tỉ lệ sử dụng điện thoại thông minh lớn thì đầu tư vào thương mại điện tử ở Việt Nam cũng gặp nhiều trở ngại.

Trước đây một vài năm, không ít các sàn thương mại điện tử được mở ra nhưng rồi cũng đã phải đóng cửa trong ngậm ngùi, trong số đó có thể kể đến một vài cái tên như lingo, Beyeu.vn, eca.vn, Fab.vn…

Nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của các sàn TMĐT này thì nhiều, nhưng không thể không nhắc đến hai lý do chính là thiếu vốn và thiếu hiểu biết về những thói quen mua sắm của người Việt.

Bất kì doanh nghiệp TMĐT nào muốn có thể đứng vững tại thị trường Việt Nam cần phải chú ý và nắm những đặc thù về thói quen mua sắm online của người Việt.

Thứ nhất, Việt Nam là một thị trường đặc thù với sự phân hóa khá rõ rệt về hành vi mua sắm giữa hai miền Nam và Bắc dẫn đến việc tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp khi tiếp cận và phát triển thị trường toàn quốc.

Thứ hai, tỉ lệ sử dụng internet và điện thoại thông minh tuy cao nhưng chỉ tập trung ở một số thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Không chỉ như thế, ở các TP này, lượng người mua sắm qua sàn thương mại điện tử cũng chỉ chủ yếu tập trung ở bộ phận dân văn phòng dẫn đến dung lượng thị trường bị thu hẹp lại.

Thứ ba, người Việt Nam ít có thói quen thanh toán trực tuyến. Hầu hết các giao dịch đều là giao dịch tiền mặt, đặt mua online nhưng thanh toán tại nhà. Chính điều này cũng tạo ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp TMĐT. Nhiều đơn hàng bị hủy do sự thay đổi ý định của khách hàng nhưng không phải bồi hoàn bất cứ khoản tiền nào cũng khiến các doanh nghiệp đau đầu.

Thứ tư, đa phần người dùng TMĐT tại Việt Nam đều chỉ để “săn” những món hàng giá rẻ, phổ thông hoặc các chương trình giảm giá, miễn phí ship. Những mặt hàng cao cấp, các khách hàng thường tỏ ra khá thận trọng và dè dặt vì sợ mua phải những món hàng kém chất lượng, không như ý.

Thứ 5, người Việt Nam thích mua hàng qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo bởi dễ dàng bị thu hút bởi những lời quảng cáo có cánh. Bên cạnh đó, việc giao dịch trực tiếp giữa người – người cũng tạo nên cảm giác yên tâm hơn cho người dùng.

Thứ 6, người Việt Nam có thói quen đặt mua các mặt hàng có giá trị cao như mỹ phẩm, quần áo, giày dép, bếp điện từ…. từ các sàn thương mại điện tử nước ngoài bởi sự lấn át về tính phong phú, đa dạng và phù hợp với người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ thành thị. Bên cạnh đó, các nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu có uy tín cao. Ngoài ra, chi phí hoàn tất đơn hàng đối với các hợp đồng mua hàng trực tuyến từ nước ngoài thấp hơn.

Đó là chưa kể đến đặc thù phân hóa khá rõ ràng về hành vi mua sắm giữa các vùng miền, thách thức cho tất cả doanh nghiệp khi tiếp cận và phát triển thị trường toàn quốc.

Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam còn nhỏ nhưng, nếu xét về tăng trưởng thì Việt Nam là một trong số thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Hiện tốc độ tăng trưởng lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam khoảng 35%, cao gấp 2,5 lần Nhật Bản. Do vậy, dù còn nhiều khó khăn và thách thức, và trong khi các doanh nghiệp nội địa vẫn loay hoay với các sàn mua bán trực tuyến thì các doanh nghiệp nước ngoài đang đổ tiền đầu tư cho thị trường Việt Nam.

Thu Nguyễn

Exit mobile version