Đại Kỷ Nguyên

Thượng viện Canada xem xét dự luật chống buôn bán nội tạng quốc tế

Canada

Thượng nghị sỹ Salma Ataullahjan (bên phải) nói về dự luật chống buôn lậu nội tạng trong khi nghị sỹ Garnett Genuis nhìn về phía khán phòng tại một cuộc họp báo của Nghị viện Canada ở thủ đô Ottawa vào ngày 12/12/2017. (Ảnh: Limin Zhou / Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh)

Các thượng nghị sĩ Canada hôm 23/5 đã lắng nghe một phiên điều trần về lý do tại sao nước này nên ban hành luật riêng để chống lại nạn buôn bán nội tạng, đặc biệt trước những mối quan ngại liên quan đến Trung Quốc.

“Buôn bán nội tạng người đã trở thành một vấn đề toàn cầu”, Thượng nghị sĩ Salma Ataullahjan phát biểu trong phiên điều trần tại Ủy ban thường vụ nhân quyền của Thượng viện Canada về Dự luật S-240, một dự luật chống buôn báng nội tạng mà bà ủng hộ.

Dự luật S-240 sửa đổi Bộ luật hình sự nhằm bổ sung các tội danh mới liên quan đến buôn bán nội tạng và mô người. Dự luật cũng sửa đổi Đạo luật bảo vệ người nhập cư và người tị nạn nhằm bổ sung các điều khoản cấm nhập cảnh vào Canada đối với những đối tượng tham gia buôn bán nội tạng hoặc mô của người.

Theo bà Ataullahjan, hiện tại Canada chưa có luật nào cấm du lịch ghép tạng – tức là việc ra nước ngoài để cấy ghép nội tạng và sau đó trở về Canada.

(Từ trái sang) Ông David Kilgour, cựu nghị sĩ Canada và cựu Quốc vụ khanh khu vực châu Á – Thái Bình Dương; Thượng nghị sĩ Jane Cordy, Thượng nghị sĩ Nancy Hartling, Thượng nghị sĩ Thanh Hải Ngô, Thượng nghị sĩ Wanda Thomas Bernard, Thượng nghị sĩ Salma Ataullahjan, luật sư nhân quyền quốc tế David Matas, và Thượng nghị sĩ Kim Pate chụp hình sau buổi điều trần về Dự luật S-240 tại Ủy ban Nhân quyền Thượng viện Canada vào ngày 23/5/2018. (Ảnh: Limin Zhou / NTD Television)

Ông David Kilgour, cựu nghị sỹ và cựu Quốc vụ khanh phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhấn mạnh về thực trạng thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc.

“Đó là một quốc gia duy nhất trên thế giới, trong số 196 nước, mà tôi tin rằng chính phủ đang điều hành hoạt động buôn bán [nội tạng] này, và không có người [hiến tạng] nào sống sót ở Trung Quốc”, ông Kilgour cho biết.

Theo các cuộc điều tra của ông Kilgour và luật sư nhân quyền David Matas, Trung Quốc đã thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm, tức những người vô tội bị bắt giữ vì biểu đạt niềm tin theo lương tâm một cách ôn hòa nhưng không được chính quyền ủng hộ. Đại đa số các nạn nhân là các học viên Pháp Luân Đại Pháp, hay Pháp Luân Công, môn khí công theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn có mặt tại Canada và hơn 100 quốc gia khác, nhưng bị đàn áp ở Trung Quốc từ năm 1999 đến nay.

Video: Vì sao chính quyền Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công dù bị thế giới lên án?

Hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức giúp Trung Quốc có được một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô-la, đem lại món lợi khổng lồ cho các quan chức nước này.

Luật sư Matas, người cũng phát biểu tại buổi điều trần, cho biết số lượng ghép tạng tại Trung Quốc đã tăng siêu tốc ngay sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công theo mệnh lệnh của Tổng Bí thư Giang Trạch Dân.

Một cuộc điều tra được cập nhật bởi ông Kilgour, luật sư Matas, và nhà báo điều tra Ethan Gutmann năm 2016 cho thấy có ít nhất 60.000 ca cấy ghép diễn ra ở Trung Quốc mỗi năm – nhiều hơn con số chính thức 10.000 ca mà chính quyền Trung Quốc công bố.

“Nếu bạn làm phép tính, điều đó có nghĩa là mỗi ngày có khoảng 150 người ở Trung Quốc bị giết hại để lấy nội tạng. Và không có người nào sống sót trong những vụ việc này”, ông Kilgour cho biết.

Video: Bác sỹ Trung Quốc trở thành những kẻ giết người như thế nào?

Dự luật Thượng viện S-240 tương tự Dự luật C-350, một dự luật của một thành viên khu vực tư nhân, được giới thiệu bởi nghị sỹ Garnett Genuis, hiện đang được xem xét trong nghị viện. Các dự luật của thành viên tư nhân hiếm khi trở thành luật, nhưng nghị sỹ Genuis và nghị sỹ Ataullahjan hy vọng rằng sự tồn tại của một dự luật Thượng viện sẽ giúp đảm bảo cho thông điệp về vấn đề này.

Thượng nghị sỹ Jane Cordy cho biết: “Đó là một rắc rối toàn cầu và vấn đề toàn cầu. Tôi nghĩ đôi khi chúng ta ngồi ở Canada và nghĩ rằng vấn đề đó không ảnh hưởng đến chúng ta, nhưng khi tôi biết 50 bệnh nhân của một bác sĩ ở Toronto đã đến Trung Quốc để cấy ghép, tôi thấy rất bức xúc”.

Thượng nghị sỹ Cordy đã đề cập đến trường hợp mà luật sư Matas nêu ra, trong đó một bác sĩ tại Bệnh viện St. Michael ở Toronto báo cáo rằng 50 bệnh nhân của ông đã đến Trung Quốc để cấy ghép nội tạng.

Thượng nghị sỹ Ataullahjan cho rằng nếu dự luật S-240 được thông qua, người dân sẽ ý thức hơn về nguồn gốc nội tạng nếu họ xem xét tới Trung Quốc để cấy ghép.

Thượng nghị sỹ Thanh Hải Ngô đề xuất ý tưởng áp dụng Đạo luật Magnitsky nhắm vào các đối tượng chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền về cấy ghép nội tạng.

“Về mặt pháp lý, chúng nằm trong phạm vi của đạo luật đó, chúng có thể được bổ sung vào danh sách”, luật sư Matas đáp lại ý kiến của thượng nghị sỹ Thanh Hải Ngô.

Dự luật S-240, một văn bản sửa đổi Bộ luật Hình sự và Đạo luật Bảo vệ Người nhập cư và Người tị nạn, hiện đang được Ủy ban Thường vụ Nhân quyền Thượng viện Canada nghiên cứu trước khi xem xét lần thứ ba tại Thượng viện.

Trước mối quan ngại về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc, một số quốc gia, bao gồm Đài Loan, Israel, Tây Ban Nha, Ý và Na Uy đã thông qua các đạo luật nhằm hạn chế công dân của họ ra nước ngoài cấy ghép nội tạng.

Mai Liên

Exit mobile version