Nhiều giáo viên tại một số trường học của huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) phải thay phiên trực đêm (không tính lương) để đảm bảo trật tự, trông coi tài sản – công việc vốn của bảo vệ nhà trường.
Ngày 8/9, bà Võ Thị Soa – Hiệu trưởng trường Tiểu học Long Vĩnh (huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) xác nhận với VTC News, nhiều năm nay, giáo viên của trường phải chia tổ để trực đêm, bảo vệ tài sản nhà trường theo chỉ đạo của phòng giáo dục huyện.
“Cái này là có văn bản chỉ đạo trực chứ không phải nhà trường tự đặt ra. Ngay cả tôi là hiệu trưởng cũng phải trực đêm. Nếu nữ giáo viên có con nhỏ hay có cha mẹ già đau bệnh thì được miễn trực”, bà Soa chia sẻ.
Theo bà Soa, trường có 1 bảo vệ trực đêm, các thầy cô sẽ trực để đảm bảo an ninh trật tự, đề phòng tình huống xấu xảy ra và không được trả thù lao cho công việc này.
“Trước đây cũng có cướp xông vào trường vào ban đêm tấn công bảo vệ. Nhờ có người trực nên tên đó bỏ chạy và không lấy được gì”, bà Soa nói.
Không riêng trường Tiểu học Long Vĩnh (xã Long Vĩnh) giáo viên tại nhiều trường học khác thuộc huyện Gò Công Tây (như trường Tiểu học Bình Phú, trường Tiểu học Vĩnh Bình 1) cũng phải chia nhau trực đêm bảo vệ trường theo chỉ đạo từ Phòng giáo dục huyện.
“Trường đông giáo viên nam (20 người) nên tôi chỉ phân công giáo viên nam, giáo viên nữ không phải trực. Công đoàn trường gợi ý bồi dưỡng cho giáo viên nam và giáo viên nữ đồng tình đóng tiền hỗ trợ cho giáo viên nam 60.000 đồng/tháng”, bà Trần Thị Phương – Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Phú (xã Bình Phú, huyện Gò Công Tây) cho biết.
Một số giáo viên giấu tên cho biết, họ bức xúc việc phải đi trực đêm nhưng không dám lên tiếng hay phản ứng lại.
“Nhiều thầy lo lắng vợ con đêm hôm ở nhà một mình. Còn các cô đi trực chồng con hiểu cho thì đỡ chứ chồng mà không hiểu thì dễ xảy ra nhiều chuyện…”, giáo viên chia sẻ.
Liên quan đến tính pháp lý của vấn đề này, Thông tư 28/2009/TT- Bộ GD&ĐT quy định giáo viên thực hiện nhiệm vụ theo số tiết định mức. Nếu đủ số tiết dạy theo quy định đồng nghĩa với việc giáo viên đã hoàn thành công việc.
Khi phân công, điều động nhiệm vụ khác, hiệu trưởng nhà trường phải căn cứ vào các văn bản pháp luật hiện hành. Điều động giáo viên làm thêm giờ, đặc biệt vào ban đêm phải trả lương ngoài giờ cho giáo viên. Do đó, yêu cầu trực đêm nhưng không chi trả tiền làm thêm giờ của Phòng Giáo dục huyện Gò Công Tây là trái pháp luật.
Ngoài ra, với quy định hiện hành, mỗi trường học đều có bảo vệ trực đêm. Trường loại I có 2 bảo vệ, trường loại II – III có 1 bảo vệ. Điều này cũng đồng nghĩa, công việc bảo vệ tài sản, an ninh trật tự là chức năng, nhiệm vụ của bảo vệ nhà trường chứ không phải là nhiệm vụ của giáo viên.
Theo Báo Giáo dục Việt Nam, trường học nào của các tỉnh miền Tây cũng đều có căng tin. Vì thế, hàng đêm không chỉ có bảo vệ trực mà nhà thầu căng tin cũng có người ở lại trường. Chưa kể, tài sản giá của trường học đa phần là bàn ghế, dụng cụ thí nghiệm và đáng giá nhất là máy chiếu, máy vi tính, tivi… Tuy nhiên, lấy trộm bàn ghế, dụng cụ thì dễ nhưng cồng kềnh, ít có giá trị về kinh tế. Đột nhập lấy trộm máy chiếu lại khó hơn vì các phòng chuyên dụng có nhiều lớp cửa. Thêm nữa, nếu không phải người thông thạo đường đi lối lại trong trường thì rất khó để thực hiện.
Vì thế, yêu cầu điều động giáo viên trực đêm của Phòng Giáo dục Gò Công Tây vừa trái pháp luật, vừa không nhận được sự tán đồng của giáo viên lại chẳng có tác dụng bao nhiêu. Việc chấm dứt phân công giáo viên phải vào trường trực đêm là cần thiết. Nếu vẫn phân công, Phòng và nhà trường phải bố trí ngân sách để chi trả tiền lương làm thêm giờ cho giáo viên.
Hoài Phương (Tổng hợp)