Theo Hiệp hội mì ăn liền thế giới (WINA), bình quân mỗi người Việt Nam đang tiêu thụ khoảng 52 gói mì ăn liền/năm, đứng thứ tư thế giới sau một số quốc gia trong khu vực.
Báo cáo mới đây của WINA cho thấy người Việt đã ăn tới 4,92 tỷ gói mì ăn liền trong năm 2016, tăng nhẹ so với mức 4,8 tỷ gói của năm 2015. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với mức đỉnh điểm là 5,2 tỷ gói ghi nhận năm 2013.
Như vậy, trung bình mỗi người dân Việt Nam ăn khoảng 52 gói mì/năm, nghĩa cứ 1 tuần ăn 1 gói.
Trung Quốc là nước tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất do có dân số đông dân nhất thế giới. Nước này ăn tới 38,52 tỷ gói mì trong năm 2016, chiếm gần 40% thị phần toàn cầu.
Đứng trên Việt Nam còn có Indonesia khi nước này tiêu thụ 13,01 tỷ gói mì ăn liền, và Nhật Bản tiêu thụ 5,66 tỷ gói.
Người Việt ăn mì ăn liền nhiều hơn cả Ấn Độ khi quốc gia đông dân thứ hai thế giới tiêu thụ 4,27 tỷ gói trong năm 2016.
Ước tính quy mô thị trường mì gói ở Việt Nam đứng ở mức 24.000 tỷ đồng, tương đương trên 1 tỷ USD.
Mức độ tiêu thụ mì gói ở Việt Nam trong gần 10 năm qua chỉ dao động nhẹ. Ngay từ năm 2010 Việt Nam đã ăn tới 4,8 tỷ gói mì.
Hiện Việt Nam có hơn 50 doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền với hàng trăm nhãn hiệu đang có mặt trên thị trường. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh chủ yếu chỉ diễn ra giữa 3 “đại gia” trong ngành là Acecook Việt Nam (doanh nghiệp của Nhật Bản), Masan Consumer và Asia Foods, chiếm khoảng 70% thị phần mì ăn liền tại Việt Nam.
Đại diện Acecook Việt Nam cho biết, từ năm 2016 cho đến giữa năm 2017, doanh thu các sản phẩm mì ăn liền của công ty này tăng từ 5-20%. Trong khi đó, Masan Consumer và Asia Foods đều đang trong giai đoạn suy giảm về lượng hàng bán ra và chưa có dấu hiệu phục hồi.
Minh Tuệ