Dù rất nhiều phương tiện truyền thông đã phản ánh tình trạng tín dụng “đen” giăng lưới bủa vây người nghèo – những người thu nhập thấp, khó tiếp cận công bằng với tín dụng “sạch”, nhưng đến nay hiện tượng này vẫn rất công khai. Đã đến lúc cần phơi bày sự thật để phần nào hạn chế những vòi bạch buộc hút máu dân nghèo này!
Trong lịch sử, nghề ngân hàng luôn được coi trọng danh giá, nhưng giờ đây có vẻ như đang bị đánh giá thấp bởi những quảng cáo rao vặt cho vay dán ở khắp nơi, dán cùng với quảng cáo sửa nhà, chống thấm dột, khoan đục bê tông, kể cả dán những nơi không lịch sự lắm.
Thực tế là cứ ra đến đường là mọi người sẽ bắt gặp những tờ giấy dán quảng cáo mời chào vay vốn dễ dàng, không thế chấp, lãi suất thấp. Bất kể là thành phố, nông thôn, hay cả đến những vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu cũng gặp nhan nhản những tờ quảng cáo này. Nếu vào internet, chỉ cần tìm kiếm chữ “vay tiền” là hiện ra đủ các trang quảng cáo cho vay tiền nhanh, không thế chấp, lãi suất mềm.
Trong số các quảng cáo ấy của ngân hàng cũng có, của công ty tài chính cho vay tiêu dùng cũng có, của cho vay tín dụng đen cũng có.
Một chuyên gia ngân hàng chia sẻ chính anh cũng không thể phân biệt cái quảng cáo nào là tín dụng “đen”, cái nào không phải là không đen.
Chuyên gia còn khó phân biệt được thì người người dân phân biệt làm sao? Các quảng cáo dán đầy ngoài đường, có số điện thoại liên lạc, thậm chí có cả địa chỉ vay tiền, ai cũng biết, nhà chức trách cũng biết nhưng không thấy ai cấm hay xé bỏ nó đi, còn trên mạng internet cũng quảng cáo rất công khai.
Như vậy, những quảng cáo ấy chẳng phải rất “công khai”, “minh bạch” là gì? Bởi vì nếu là bị cấm sao nó lại tồn tại rõ ràng giữa thiên thanh bạch nhật thế! Người dân thì tin là thế, vì các cơ quan chức năng nhà nước vẫn để nó tồn tại như thế.
Thế là những người cần tiền sẽ bị dính lưới bủa vây ấy, họ sẽ bị dính vào nợ của tín dụng đen và khó mà thoát ra được. Họ là những người nghèo khó khăn, thuộc tầng lớp dễ bị tổn thương nhất của xã hội mà dường như lại không được xã hội bảo vệ khi những cái lưới tín dụng đen vẫn luôn được dán khắp nơi, được quảng cáo công khai như vậy.
Những người nghèo đang bị bủa vây ấy là ai? Câu trả lời là họ có thể là bất cứ ai khi đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, cần tiền cho sản xuất hoặc tiêu dùng.
Trong khuôn khổ bài viết này chỉ nói về tác động tiêu cực của tín dụng đen đối với những người nông dân, thành phần chiếm 70% dân số nước ta. Có không ít nông dân bị vướng lưới tín dụng đen, và còn hàng triệu triệu người đang trong nguy cơ đó. Cần phải có biện pháp để giảm thiểu nguy cơ có thật đang đe dọa hàng triệu người này!
Về nông thôn bạn sẽ không khó để bắt gặp cảnh bán lúa non, bán ngô non, bán vải non, thậm chí là bán cá non, lợn non… Họ phải vay vốn tín dụng đen để mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu cho vụ mùa mới, hoặc nhận giống, phân bón trước, trả sau bằng sản phẩm lúa, ngô, khoai với lãi suất cắt cổ.
Người nông dân đã khổ, còn người nông dân dân tộc thiểu số ở các vùng sâu còn cơ cực hơn vì tín dụng đen. Họ thường trồng chuyên canh các cây công nghiệp như cà phê, cao su, chè, tiêu, điều…
Năm 2015 đã có những báo cáo về kết quả nghiên cứu của một số các tổ chức cho thấy một tỷ lệ rất lớn (86%) các hộ nông dân dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên đang phải gánh các khoản nợ, phần lớn đang phải vay nặng lãi từ tư nhân để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, với lãi suất lên tới 50-60%/năm.
Vậy tại sao những người nông dân này phải vay tín dụng đen, trong khi họ có thể vay ở các ngân hàng với lãi suất thấp hơn, trong khi màng lưới ngân hàng thì phủ kín dày đặc, đâu cũng có?
Câu trả lời là đến giờ họ không còn tài sản thế chấp để vay ngân hàng. Theo một khảo sát được công bố năm 2016 tại một số tỉnh Miền Tây, hầu hết sổ đỏ của nông dân đang nằm trong tay các ngân hàng, bởi vì họ đã vay trước đó mà không có khả năng trả nợ chủ yếu do gặp rủi ro, thiên tai như hạn hán, sản phẩm rớt giá.
Mấy năm gần đây đã liên tiếp xảy ra điệp khúc hàng loạt sản phẩm nông nghiệp như dưa hấu, hành tím, củ cải, rau xanh, thịt heo, cá, tôm … rớt giá. Khi rớt giá thì nông dân lỗ vốn nặng và đương nhiên lâm vào cảnh khốn cùng không có tiền trả nợ ngân hàng. Muốn có tiền để chuyển đổi sản xuất phải vay tiếp. Đến ngân hàng thì tắc, ngân hàng sẽ không cho vay khi chưa trả hết nợ cũ, hoặc đang nằm trong danh sách nợ xấu.
Đó chính là những lý do khiến tín dụng ngân hàng bị tắc và nông dân vẫn sẽ phải đến với tín dụng đen với lãi suất cắt cổ. Thế là người nông dân lại còng lưng sản xuất để nuôi tín dụng đen. Do năng suất lao động rất thấp nên lợi nhuận sản xuất nông nghiệp của Việt Nam cũng rất thấp, có lẽ cũng chỉ vừa để nuôi lãi suất của tín dụng đen. Đây là cái vòng luẩn quẩn làm cho nông dân mãi nghèo khó, rất ít người vượt qua được. Nếu 86 % hộ dân tộc Tây Nguyên phải vay nặng lãi, có thể thấy rằng số hộ vẫn nghèo mãi cũng là 86%. Mong sao con số thống kê này có sai sót.
Một đất nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới, trồng cà phê số 2 thế giới và còn nhiều mặt hàng nông ngư nghiệp tạo thu nhập hàng tỷ USD mỗi năm, đáng lẽ người làm ra nó cũng phải giàu có, nhưng họ lại rất nghèo vì bị vắt kiệt cũng một phần bởi tín dụng đen.
Chắc những người đang nhâm nhi cốc cà phê Trung Nguyên thượng hạng đắt tiền ở New York, London, Paris… không nhận thấy vị đắng chát của nó, họ không hình dung nổi người đã trồng ra nó lại lam lũ, vất vả, nghèo khó thế nào!
Thực tế là phần không nhỏ người nông dân chưa lúc nào thoát khỏi cảnh nợ nần, vay đầu vụ, trả nợ cuối vụ. Gần như tất cả số sản phẩm họ làm ra đều được gán để trả nợ, vấn đề là nợ càng ngày càng nhiều hơn, người dân khó thoát ra khỏi cái gông của tín dụng đen.
Thực tế báo chí đã đưa nhiều tin xót xa về những nông dân lâm vào cảnh khốn cùng, làm ăn thua lỗ, không trả được nợ, bị tín dụng đen thu hết nhà đất để xiết nợ. Họ phải vào rừng sâu hơn để phá rừng làm rẫy, lại trở nên khổ hơn và môi trường cũng bị tàn phá hơn!
Chưa hết, tại các bệnh viện, nông dân còn bị tín dụng đen “hút máu”. Người vay là những người nhà của các bệnh nhân đang nằm điều trị dài ngày ở các bệnh viện trong cả nước. Những bệnh nhân nghèo bị bệnh hiểm nguy phải nằm lâu dài như bệnh nhân chạy thận, bệnh nhân ung thư, bệnh nhân lọc máu… thì hầu hết đều trở thành khách hàng vay của tín dụng đen.
Tại các Bệnh viện Ung thư K Trân Triều Hà Nội, Bệnh viện U bướu Hà nội, Bệnh viện Huyết học Hà Nội, có không ít người phải thế chấp sổ đỏ để vay tiền tín dụng đen cho người nhà chữa bệnh. Nông dân dù có khá giả đến đâu, nhưng khi có người nhà ốm nằm viện vài tháng trong khi viện phí và giá thuốc tăng cao như hiện nay thì họ sẽ trở thành tay trắng. Không có ngân hàng nào cho vay tiền để chữa bệnh, trong danh mục cho vay, trong các phương án giải trình vay vốn chưa bao giờ có mục chữa bệnh. Vậy là họ chỉ còn cách đến vay tín dụng đen. Họ cũng biết vay tín dụng đen là sẽ mất đất, mất nhà nhưng cũng không còn cách nào khác.
Người nông dân hy vọng vào các cơ quan chức năng, hy vọng vào ngành ngân hàng hãy thực tế hơn, có những giải pháp thực tế hơn để người dân có thể dễ dàng tiếp cận tín dụng, người dân có vốn với lãi suất hợp lý để phục vụ sản xuất, tiêu dùng để có thể vượt qua khó khăn.
Ngày 8/5/2018 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có cuộc họp với những nông dân không tiếp cận được vốn tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ. Cuộc họp đã chỉ ra những khó khăn vướng mắc thực tế của nông dân khi vay vốn của ngân hàng là có thật. Ngân hàng Nhà nước cam kết sẽ phối hợp các bộ ngành liên quan để tháo gỡ.
Thanh Long