Đại Kỷ Nguyên

TIN TỐT ĐẸP ngày 10/10: Vợ chồng ‘ông Tây’ sửa trường, dạy học miễn phí cho trẻ em Việt

Ông Roy Erle Hornsby (bên trái cùng vợ) và ông Bruno Cerignat - những người có tình yêu đặc biệt dành cho trẻ em Việt.

Chuyên mục TIN TỐT ĐẸP ngày 10/10 xin gửi tới quý độc giả bản tin ‘Vợ chồng ‘ông Tây’ sửa trường, dạy học miễn phí cho trẻ em Việt’.

Dù đến từ các quốc gia khác nhau, ông Roy Erle Hornsby và Bruno Cerignat đều dành sự quan tâm và giúp đỡ chân thành, thiết thực với trẻ em nghèo ở Việt Nam.

Theo VnExpress, ông Roy Erle Hornsby nguyên là lính Australia tham chiến ở Việt Nam năm 1969-1970, đóng quân ở Bà Rịa – Vũng Tàu.

Năm 2003, ông quay lại Việt Nam làm giảng viên thiết kế web, lập trình viên… ở Đại học Quốc tế RMIT (TP. HCM). Năm 2007, ông quen bà Phan Thu Lan và tới 2010, họ nên duyên vợ chồng.

Năm 2014, vợ chồng ông Roy Erle Hornsby mua một mảnh đất ở phường Cẩm Châu (TP. Hội An) xây nhà ở. Trong thời gian ông bà xây nhà có nhiều người phụ nữ xã Cẩm Kim đến phụ hồ.

Trong số này có một người thường xuyên nghỉ việc, bà Lan hỏi chuyện thì biết người này có con nhỏ, phải ở nhà trông. Tìm hiểu, bà Lan thấy trong thôn Trung Châu (xã Cẩm Kim), nhiều gia đình nghèo khổ, gửi con đến trường để đi làm thì phải đóng số tiền lớn. Nhiều người đi làm nhưng không đủ tiền đóng học phí cho con.

Vợ chồng bà Lan trao quà cho nhiều trẻ em nghèo. (Ảnh: VnExpress)

Thấy một điểm trường với hai phòng học ở thôn Trung Châu bị bỏ hoang, bà Lan tìm hiểu thì biết lý do là trường không có bếp ăn, cơ sở vật chất thiếu thốn. Các em học xong đến buổi ăn cơm phải đến điểm trường chính cách gần một km, hoặc học đến trưa cha mẹ đón về, chiều đưa đến trường.

Bà Lan đã đề nghị cải tạo ngôi trường và được chính quyền đồng ý. Vợ chồng bà đã kết nối với các sinh viên để họ dọn dẹp cỏ cây; nhờ người vẽ, sơn lại tường, trần nhà. Hệ thống bếp nấu ăn cùng các thiết bị cũng được ông bà sắm sửa.

“Ngôi trường mầm non Trúc Xanh đầu tư 215 triệu đồng, trong đó vợ chồng tôi đóng góp phần chính, còn lại kêu gọi Mạnh Thường Quân”, bà Lan vui vẻ chia sẻ.

Bà Lan vẫn thường xuyên đến thăm, vui chơi và mang nhiều đồ ăn cho các trẻ nhỏ tại trường mầm non Trúc Xanh. (Ảnh: VnExpress)

Từ đó, lớp học mầm non Trúc Xanh dành cho những trẻ em nghèo được ra đời. Hiện, lớp có 18 trẻ từ 1 đến 3 tuổi với hai cô giáo chăm sóc. Mỗi em có một giường ngủ. Bà Lan thuê người trồng rau quanh khuôn viên trường, mỗi tháng cung cấp gần 30 kg cho lũ trẻ cải thiện.

Hiện tại, cứ cách vài ngày bà Lan lại đồ ăn nhẹ tới cho lũ trẻ tại trường mầm non Trúc Xanh và vui chơi với chúng.

Theo Trưởng thôn Trung Châu, thì trường chỉ thu tiền học phí trả cho giáo viên, các khoản tiền ăn, cơ sở vật chất phụ huynh không phải đóng.

Sân chơi cho trẻ nhỏ tại nhà văn hóa thôn Phước Thắng. (Ảnh: VnExpress)

Không chỉ giúp sửa chữa trường mầm non, vợ chồng bà Lan còn tham gia hỗ trợ nhiều nhà văn hóa tại xã Cẩm Kim như: Đầu tư 15 triệu đồng lắp đặt các dụng cụ vui chơi cho trẻ em khuôn viên nhà văn hóa thôn Phước Thắng; hỗ trợ 50 triệu đồng và kêu gọi một trường đại học ở Canada và trường đại học ở Hà Nội đầu tư 52 triệu đồng xây dựng khuôn viên, lắp đặt thiết bị vui chơi giải trí tại nhà văn hóa thôn Trung Châu.

Vợ chồng ông bà cũng giúp trường Tiểu học Cẩm Kim tiền mua chén bát, xoong nồi do học sinh bán trú tại đây thiếu dụng cụ nấu bếp.

“Tương lai tôi sẽ đầu tư một bể bơi di động cho một trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật ở xã Điện Dương, thị xã Điện Bàn 60 triệu đồng”, bà Lan nói.

Người phụ nữ nhân hậu này cho biết, hay sinh hoạt gia đình từ khoản thu nhập của chồng, còn bà làm được bao nhiêu sẽ dành hết đầu tư cho trường học.

Nếu vợ chồng bà Lan giúp nhiều trẻ nhỏ tại xã Cẩm Kim được tới trường, có sân chơi thì tại thôn Mỹ Lai, (xã Tịnh Khê, Quảng Ngãi), một người đàn ông Pháp đang từng ngày giúp những trẻ em nghèo có thể học tiếng Anh.

Thầy giáo Bruno và những học trò nhỏ của mình tại xã Tịnh Khê. (Ảnh: VTV)

Chương trình “Điều ước thứ Bảy” của VTV kể về người đàn ông Pháp tên Bruno Cerignat nhiều năm gắn bó với mảnh đất Mỹ Lai, Quảng Ngãi để dạy tiếng Anh cho nhiều thế hệ trẻ em nghèo.

Hiện “ông Tây” này cũng đã lấy vợ Việt và tiếp tục hành trình giúp trẻ em ở Mỹ Lai và nhiều khu vực lân cận có thể học tiếng Anh được thuận lợi.

Thầy Bruno đã giúp rất nhiều trẻ em tại Quảng Ngãi có cơ hội để nắm vững tiếng Anh căn bản. (Ảnh: Lao Động)

“Tôi biết nhiều học sinh ở Mỹ Lai còn rất khó khăn và vất vả. Tôi rất muốn dạy tiếng Anh miễn phí cho các em ở đây, cũng như muốn học sinh nghèo một tương lai tốt hơn”, ông Bruno chia sẻ.

Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!

———–

Quý độc giả có thể tải ứng dụng “DKN.TV” trên điện thoại di động để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News

Exit mobile version