Chuyên mục TIN TỐT ĐẸP ngày 11/10 xin gửi tới quý độc giả bản tin ”Ông thợ giàu chữ’ câm điếc thông thạo hơn 5 thứ tiếng ở Sài Gòn’.
“Ông thợ giàu chữ” hay “đại gia ngôn ngữ” là cách gọi thân thương được người dân khu vực đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 12, TP. HCM) dành cho ông Bùi Bách Tường (61 tuổi) – người sửa khóa câm điếc thành thạo hơn 5 ngoại ngữ.
Sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, cha mẹ đặt cho ông cái tên Bách Tường với mong ước đứa con hiểu rộng, biết nhiều. Bất hạnh thay, đến tuổi tập nói thì bập bẹ mãi chẳng nên lời, thì ra ông bị câm điếc bẩm sinh. Cả tuổi thơ sống trong tự ti, mặc cảm, bị bạn bè trêu chọc khiến cậu bé Tường khi ấy chỉ loay hoay trong góc nhà, con hẻm, không dám tiếp xúc ai.
Theo Báo Pháp Luật Việt Nam, ông Tường bắt đầu với nghề sửa khóa từ năm 16 tuổi. Ngày ngày học nghề kiếm sống, ông chợt nhận ra chữ viết là chìa khóa để giao tiếp với mọi người.
Thế là ông Tường bắt đầu học chữ và tập viết bằng cách nhờ người quen chỉ chữ cái. Về sau, khi đã thuộc mặt chữ, đi đâu ông cũng lăm lăm cây bút, mắt nhìn, tay “vẽ” lại những ký tự trên các bảng hiệu ở nhà hàng, quán ăn, tiệm cà phê… rồi tập hiểu nghĩa của nó.
Hơn 2 năm sau, ông Tường đã có thể diễn đạt suy nghĩ của mình ra giấy một cách nhuần nhuyễn. Cũng nhờ biết chữ, khách đến sửa khóa ngày một nhiều hơn, một phần vì tài nghệ, phần vì sự vui tính và nể phục nghị lực học chữ của ông.
“Chữ đã làm thay đổi cuộc đời tôi, giúp tôi vượt qua sự tự ti của số phận bất hạnh. Thời gian đầu tôi học mọi lúc mọi nơi, cứ rảnh lúc nào là học lúc ấy. Trong hộp đồ nghề sửa khóa luôn có cuốn vở viết, lúc vắng khách là tôi lấy ra thực hành”, ông Tường nắn nót viết lên giấy.
Cái duyên đến với ngoại ngữ cũng thật tình cờ. Một lần, ông vô tình gặp một bạn người Mỹ cùng hoàn cảnh câm điếc biết tiếng Việt trên mạng. Cả hai trò chuyện rất cởi mở bằng thứ “ngôn ngữ bàn tay”. Song vốn tiếng Việt của người bạn không nhiều, còn ông lại mù tịt tiếng Anh nên nhiều lúc muốn trải lòng thêm mà không được.
Được người bạn khích lệ, hướng dẫn, ngày hôm sau, ông Tường sắm hai cuốn sách tiếng Anh cơ bản về học. Vừa học vừa thực hành với người bạn Mỹ, 2 năm sau, người thợ sửa khóa đặc biệt này đã giao tiếp thành thạo.
Mỗi ngày, tranh thủ lúc vắng khách, ông thường mang từ điển ra học từ vựng. Tài sản quý nhất của ông Tường chính là những cuốn quyển từ điển cũ, trang giấy đã ngả màu. Một ngày kiếm được gần 100 nghìn từ việc sửa khóa, lâu lâu, ông để dành tiền đầu tư từ điển và giáo trình. Trong hộc tủ “kiếm cơm” của mình, ông dành một ngăn để từ điển, tài liệu học tập hơn nửa đời người tích góp của mình.
Ông Tường chia sẻ với Saostar, hiện có thể giao tiếp thành thạo nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Philippines… Thỉnh thoảng, những người bạn tình cờ làm quen trên mạng đi du lịch sang Việt Nam vẫn ghé qua tiệm, lại nhà ông trò chuyện.
Nhắc đến ông Tường, ông Đỗ Văn Viên – bảo vệ một ngân hàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám cười nói: “Ông ấy sửa khóa hay lắm, giỏi nhất ở đây. Khách nước ngoài đến vì là ông Tường biết giao tiếp bằng tiếng Anh”.
Trên hành trình vượt lên chính mình, hạnh phúc đã mỉm cười khi ông Tường gặp và kết hôn với người phụ nữ cùng cảnh ngộ. Thế nhưng, một cơn bạo bệnh đã cướp đi sinh mệnh của bà, để lại ông cùng 3 đứa con thơ chống chọi với cái nghèo.
Hiện sóng gió đã đi qua, 3 người con của ông Tường khôn lớn trưởng thành. Các con ông tự học ngôn ngữ người câm điếc, để những lúc rảnh rỗi quây quần trò chuyện bên cha.
Nắng chiều dần buông và ông Tường vẫn ngồi tỉ mẩn sửa khóa cho khách, tiếng đục mài vang vọng hòa cùng tiếng ô tô, xe máy nơi góc phố.
Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!
———–
Đại Kỷ Nguyên News